Giảm chi phí vốn với số hóa ngân hàng

LÊ MỸ 16/10/2023 05:00

Nhiều NHTM đã nỗ lực tung hàng loạt gói cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm.

>>>Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng có biểu hiện "tăng nhẹ"

OCB mới đây đã tung gói vay 5.000 tỷ với lãi suất từ 6,5%/ năm. VPBank có gói vay 13.000 tỷ, HDBank giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 2,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, quy mô cho gói dư nợ giảm lãi khoảng 64.000 tỷ đồng, Sacombank có gói tới 30.000 tỷ với lãi suất từ 6,2%/năm, ACB với gói 30.000 tỷ và giảm 3% lãi suất từ tháng 5… Đây là các gói vay đáng chú ý bên cạnh các chương trình quy mô hàng chục nghìn tỷ của Big4 Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV...

NHNN liên tục chỉ đạo các NHNN tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh số hóa ngân hàng, tiết giảm chi phí để giảm lãi vay. (Ảnh minh họa. Nguồn: HDB)

Với các gói vay này, các NH cho biết không chỉ “hy sinh” lợi nhuận, còn là kết quả nhờ tập trung tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin là các giải pháp khác như NHNN chỉ đạo.

Ông Nguyễn Đình Tùng, TGĐ OCB cho biết, nhờ đẩy mạnh số hóa, phê duyệt online tới 85%, OCB đã giảm được tỷ lệ CIR, giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng và hoàn thành kế hoạch đặt ra trong nửa đầu năm 2023.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, TGĐ Vietcombank cũng cho biết với 3 đợt giảm lãi vay liên tiếp trong năm, bên cạnh nhiều giải pháp, Vietcombank triển khai các giải pháp giải ngân điện tử cho khách hàng, áp dụng chuyển đổi số trong quy trình cho vay, hỗ trợ khách hàng vay vốn trên môi trường số, nhằm rút ngắn thời gian thẩm định cũng như cấp tín dụng kịp thời cho khách hàng. Chính sách tài sản bảo đảm cũng linh hoạt, phụ thuộc vào từng đối tượng khách hàng, từng phương án kinh doanh sẽ áp dụng chính sách khác nhau.

Dù vậy, trao đổi với DĐDN, TS Nguyễn Hoàng Hiệp, chuyên gia kinh tế nhận định ngành ngân hàng đang đi đầu về số hóa trong nền kinh tế, nhưng... chưa đủ.

>>> Dư địa giảm lãi suất điều hành không còn nhiều

“Nhân sự ngân hàng vẫn đang “thâm dụng” người lao động hơn là tinh giản nhờ ứng dụng số hóa. Theo đó, chi phí lương thưởng vận hành với khối lượng người lao động vẫn chiếm giá trị lớn trong tổng chi phí vận hành. Tiết giảm thâm dụng lao động mới là tiết giảm chi phí lớn nhất để giảm lãi suất vay bền vững, bởi lãi suất vay thực của Việt Nam vẫn luôn rất cao so với thế giới", chuyên gia nhận định.

Lãi suất thực cao cũng là quan điểm đã được TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia đề cập. Thậm chí ở giai đoạn lãi suất cho vay cao tới trên 15-16%, vị chuyên gia cho rằng khó cho thể làm ăn chân chính mà chịu đựng được mức lãi suất đó.

Thanh toán trên kênh số được thúc đẩy tạo nhiều cơ hội cho các ngân hàng, nhưng đây cũng là thách thức và là sự cạnh tranh trực tiếp với chính các nhà băng trong cung ứng dịch vụ thanh toán số

Thanh toán trên kênh số được thúc đẩy tạo nhiều cơ hội cho các ngân hàng, nhưng đây cũng là thách thức và là sự cạnh tranh trực tiếp với chính các nhà băng trong cung ứng dịch vụ thanh toán số. Nguồn: NHNN

Hiện nay, lãi suất cho vay theo NHNN, theo số liệu mới nhất thì mức giảm trung bình, nhất là khoản vay mới, là 1-1,3%. "Lãi suất bình quân cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn là 5,5-5,7%, vay trung ngắn hạn là 5,8-10%. Lãi suất của những khoản dư nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ và trả lãi thì có độ trễ, do huy động của các ngân hàng thương mại trước đây ở mức rất cao, thậm chí từ 10-12%, nên độ trễ hiện nay theo sự tính toán của chúng tôi xác định thì khoảng từ 9-12%", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.

Ở góc độ tính toán của các NHTM, thực tế bài toán lãi suất không chỉ nằm ở con số lấy đầu vào cộng biên độ để cho ra lãi suất đầu ra, bởi các ngân hàng còn phải cân đối vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn, trích lập dự phòng.v.v. Do đó, Lãnh đạo một nhà băng chia sẻ nếu trung hòa nguồn vốn huy động cao của 2022, với huy động đã về mức rất thấp hiện nay, cõng thêm dư nợ đã cơ cấu lại và việc trích lập đang tăng lên, rủi ro nợ xấu đang tăng cao... thì ngân hàng đang gặp rất nhiều thách thức trong mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay. Chưa kể, trong môi trường kinh doanh số hóa nhưng vẫn chưa được "chuẩn hóa" cả về các quy định pháp lý, ngân hàng vẫn phải đầu tư công nghệ, con người số hóa, vừa phải nâng cao vai trò của nhân sự hiện hữu.

"Chi phí nhân sự - vận hành hệ thống vật lý vẫn là một trong những khoản chi phí lớn", vị Tổng giám đốc thừa nhận.

Theo TS Nguyễn Hoàng Hiệp, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí, giảm lãi vay là cái lợi nhìn thấy được, trước mắt. Nhưng xa hơn, cái lợi dài lâu hơn và có tầm nhìn rộng, như một xu thế tất yếu, là ngành ngân hàng cần tiến đến ngân hàng internet theo xu hướng của thế giới, khu vực và Việt Nam trong chiến lược hội nhập thế giới và gia tăng chỉ số uy tín của Việt Nam. Trong đó, số hóa ngân hàng cũng góp phần nâng cao chỉ số minh bạch trong bộ máy quản trị và tiến đến quốc gia không sử dụng tiền mặt trong giao dịch, đồng thời góp phần chống tham nhũng trong nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng”. 

Có thể bạn quan tâm

  • Giải bài toán ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn

    Giải bài toán ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn

    05:20, 11/10/2023

  • Ngân hàng đã rộng cửa hơn cho bất động sản

    Ngân hàng đã rộng cửa hơn cho bất động sản

    03:38, 10/10/2023

  • Ngân hàng “thừa tiền”, làm sao tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp?

    Ngân hàng “thừa tiền”, làm sao tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp?

    00:50, 13/10/2023

LÊ MỸ