Nghịch lý “có tiền nhưng khó tiêu” nhìn từ sự ì ạch của gói hỗ trợ lãi suất 2%
Tính đến hết tháng 8/2023, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân được 781 tỷ đồng, với dư nợ hỗ trợ lãi suất gần 60.000 tỷ đồng, trong khi chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc theo Nghị quyết 43/2022/QH15.
>>“Gỡ vướng” gói hỗ trợ lãi suất
Kết quả chưa như mong đợi
Theo báo cáo của Uỷ ban kinh tế Quốc hội thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết 43, có nhiều điểm sáng trong công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc triển khai chậm các gói hỗ trợ, đặc biệt gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ thông qua hệ thống ngân hàng.
Đây là gói hỗ trợ kết hợp giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ, khi chủ trương dành 40.000 tỷ từ nguồn NSNN để cấp bù lãi suất 2% cho 1 triệu tỷ vốn vay ước tính được bơm ra hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Mặc dù vậy, tính đến hết tháng 8/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 170.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất chưa tới 60.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất luỹ kế từ đầu chương trình chưa tới 800 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng (tương ứng 1,95% quy mô gói). Một con số “rất khiêm tốn” so với kỳ vọng ban đầu của Nghị quyết 43. Một chính sách thiết thực cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống nhưng kết quả không như mong đợi.
Trước khi đi vào phân tích nguyên nhân, đầu tiên, chúng ta cần nhìn nhận sự tích cực, sát sao của Chính phủ trong công tác chỉ đạo NHNN cũng như các Bộ, ngành liên quan khác trong việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ một cách khẩn trương, quyết liệt, thể hiện rõ qua rất nhiều hội nghị, cuộc họp, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác truyền thông, kết nối giữa ngân hàng với khách hàng, tổ chức các Đoàn công tác liên bộ/ngành để nắm bắt thực tế tiếp nhận chính sách tại nhiều địa phương… Bản thân các NHTM cũng tích cực vào cuộc, truyền thông rộng rãi gói hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng qua nhiều kênh khác nhau, tổ chức hàng loạt hội nghị kết nối với doanh nghiệp, thể hiện rõ trách nhiệm với xã hội.
Việc giải ngân hơn 98% quy mô gói hỗ trợ còn lại trong vòng chưa đầy 3 tháng (gói kết thúc vào 31/12/2023) được đánh giá là bất khả thi. Điều này cho thấy tính cấp thiết về việc tìm hiểu thực tiễn triển khai tại cơ sở, ý kiến và nguyện vọng từ phía doanh nghiệp, nhằm xác định đầy đủ các nguyên nhân và sớm đề xuất giải pháp, cơ chế tháo gỡ vấn đề. Thực tế cho thấy, không phải chờ đợi tới thời điểm này để gần như có thể kết luận hiệu quả của gói này, bởi vì chỉ một vài tháng sau khi triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP, rất nhiều khó khăn đã được chỉ ra, tuy nhiên, dù cho nhiều hội nghị, họp bàn được diễn ra, nhưng không thực sự có nhiều biến chuyển trong việc thực thi gói hỗ trợ.
Đã từng có ý kiến cho rằng cần xem xét chuyển gói hỗ trợ lãi suất này sang cho vay nhà ở xã hội khi tiến độ giải ngân quá chậm. Tuy nhiên, phương án này không khả thi. Việc hỗ trợ cá nhân vay ưu đãi thông qua NHCSXH để mua, thuê mua, xây mới hoặc cải tạo nhà ở xã hội được đề cập cụ thể tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Bên cạnh nguồn vốn quy định tại Nghị định 100, trong khuôn khổ chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, trong đó phân bổ nguồn vốn tối đa 15.000 tỷ đồng cho NHCSXH để cho vay nhà ở xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình công nhân.
Tuy nhiên, theo báo cáo của NHCSXH đến tháng 9/2023, tỷ lệ giải ngân nguồn của gói vay này không cao (hiện nay dư địa còn khoảng 11.000 tỷ). Cần lưu ý rằng bên cạnh gói vay này, Chính phủ cũng dành một trữ lượng ngân sách khá lớn cho các chương trình hỗ trợ khác nữa, trong đó có sự tập trung chính vào đầu mối NHCSXH. Bên cạnh đó là gói hỗ trợ lên tới 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ lực là nhóm 4 NHTM nhà nước.
Có thể thấy nguồn tín dụng cho vay nhà ở xã hội hiện nay đang rất dồi dào, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương hiện nay còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.
>>“Gỡ nút thắt” gói hỗ trợ lãi suất
Vì sao “có tiền nhưng không thể tiêu”?
Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “ế hàng” của gói hỗ trợ lãi suất 2% như sau: Thứ nhất, rút kinh nghiệm từ bài học cấp bù lãi suất 4% vào năm 2009, nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách ở lần hỗ trợ lãi suất này tương đối hẹp.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng ngại khi phải bóc tách mục đích khoản vay được hỗ trợ lãi suất và không được hỗ trợ đối với trường hợp doanh nghiệp đa ngành nghề. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không đăng ký hộ kinh doanh nên cũng không nằm trong danh mục được hỗ trợ.
Thứ hai, đây là gói ưu đãi lấy nguồn từ NSNN, nên xuất hiện tâm lý e ngại từ phía khách hàng cũng như NHTM đối với công tác thanh tra, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích và chi phí từ hỗ trợ lãi suất. Cá biệt, có một số khách hàng mặc dù nhận được hỗ trợ lãi suất, tuy nhiên đã chủ động hoàn trả phần hỗ trợ này. Khách hàng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất do số tiền này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông.
Thứ ba, quy định “có khả năng phục hồi” tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP đặt các ngân hàng vào thế khó trước quyết định cấp tín dụng. Nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng chỉ có thể đánh giá khách hàng đủ điều kiện cho vay hay không, chứ khó có thể đánh giá về khả năng phục hồi, đặc biệt trong bối cảnh trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định.
Ví dụ, trong trường hợp khách hàng được hỗ trợ lãi suất, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh sau đó suy giảm, ảnh hưởng đến việc đáp ứng các tiêu chí nêu trên khiến cả ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra đánh giá trục lợi chính sách.
Thứ tư, từ đầu năm 2023, thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc hạ lãi suất đi cùng với việc có hiệu lực của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, nhiều ngân hàng cũng đã chủ động giảm lãi suất cho vay với các khoản cho vay còn dư nợ và vay mới, cũng như đưa ra nhiều chương trình cho vay ưu đãi, nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Một số định hướng thúc đẩy phục hồi kinh tế
Thực tế cho thấy doanh nghiệp hiện nay có nhu cầu về vốn hơn là quan tâm tới yếu tố lãi suất, và họ cũng mong muốn chính sách hỗ trợ trực tiếp hơn hỗ trợ lãi suất, ví dụ như miễn, giảm, giãn thuế có thể phù hợp hơn trong điều kiện hiện nay. Điều này được khẳng định trong Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra về thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội liên quan chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế khi cho thấy một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94% kế hoạch.
Điều đó cho thấy cần triển khai nhiều hơn các phương thức hỗ trợ trực tiếp, theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp. Trường hợp khách hàng là đối tượng hưởng hỗ trợ có vay vốn tại ngân hàng, thì ngân hàng tiến hành cho vay và thu nợ, thu lãi bình thường, đồng thời sẽ hỗ trợ xác nhận khách hàng có vay vốn tại ngân hàng để khách hàng hoàn thiện hồ sơ nhận hỗ trợ.
Chính phủ cũng cần nhanh chóng xem xét, xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp ở giai đoạn hiện tại. Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất 2%, các điều kiện, quy định cần phải đơn giản, phù hợp thực tế hơn để doanh nghiệp có thể và có động lực tiếp cận vốn vay. Trong thời điểm hiện tại, cần chú trọng hơn tới kích thích tổng cầu, từ đó mới tạo ra nhu cầu vay vốn để đưa vào sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, với việc ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư cũ quy định về hoạt động cho vay của TCTD ngày 28/6/2023 - đáng chú ý là quy định mới về cho vay "đảo nợ" tại khoản 2 điều 1, nhu cầu vay vốn chính thức của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp đã được tiếp cận theo hướng mở, thiết thực và hỗ trợ tốt hơn cho các mục tiêu hoạt động cốt lõi (kinh doanh, an cư, phục vụ đời sống), song song đó với việc hưởng chế độ lãi suất cạnh tranh hơn nhiều so với giai đoạn trước đó.
Đây là một "nước đi" táo bạo, song rất cần thiết, kịp thời và cần phải nhân rộng hơn nữa của ngành Ngân hàng trong bối cảnh kinh tế trầm lắng hiện nay, giúp tạo ra một xung lực mới đối với tổng cầu, hướng tới việc thu hút và mang tới nhiều lợi ích cho khách hàng vay trên cơ sở thúc đẩy cạnh tranh hơn là việc sử dụng các biện pháp hành chính như trước đây.
Theo quan sát của tôi, để quy định cho vay "đảo nợ" sang các TCTD khác thực sự đạt hiệu quả cũng như thúc đẩy tín dụng mạnh hơn trong các tháng cuối năm, tôi đề xuất NHNN nên nghiên cứu, bổ sung các quy định, hướng dẫn chi tiết sao cho quá trình chuyển giao tài sản bảo đảm giữa các TCTD được thuận lợi và thông suốt, giúp giải quyết triệt để những "điểm nghẽn" chính sách. Bên cạnh đó, các chính sách của NHNN trong thời gian tới cũng cần khuyến khích TCTD mở rộng hơn nữa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng với nhiều điều khoản ưu đãi, chi phí cạnh tranh để gợi mở mạnh mẽ hơn nhu cầu mới, thiết thực từ phía khách hàng.
*PGS. TS. TRẦN VIỆT DŨNG, Viện NCKH Ngân hàng - Học viện Ngân hàng
Có thể bạn quan tâm
Để doanh nghiệp sớm tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%
16:30, 16/02/2023
Doanh nghiệp Thanh Hóa "ngóng" gói hỗ trợ lãi suất 2%
05:00, 11/11/2022
Ngân hàng gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%
12:52, 29/09/2022
Sacombank triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%
13:26, 22/09/2022