Tăng cường vai trò phụ nữ ngành ngân hàng trước những thách thức mới

L.MỸ 18/10/2023 12:10

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết thời gian qua, ngành đã ban hành các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ phụ nữ, đối tượng yếu thế phát triển kinh tế...

>>>Thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công

Cùng với đó, ngành ngân hàng cũng đã tích cực mở rộng các dự án hợp tác/hỗ trợ quốc tế để tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ. Đặc biệt, NHNN đã tăng cường các hoạt động phối hợp với các cơ quan trong nước, từ trung ương đến địa phương, tiêu biểu phải kể đến sự phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam… để tăng cường giáo dục tài chính cho người dân nói chung và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Nguyễn Thúy Anhp/Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Bà Nguyễn Thúy Anh Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo quốc tế có chủ đề “Tăng cường vai trò phụ nữ ngành Ngân hàng trước những thách thức mới” ngày 18/10, do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam - khẳng định, đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cơ bản đạt được các mục tiêu chính của Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung cũng đã và đang nỗ lực để có những đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của phụ nữ Việt Nam thông qua các chương trình phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng thương mại tăng cường cấp tín dụng cho đối tượng khách hàng là phụ nữ…

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, ngành ngân hàng đến nay đã có nhiều thành tựu và đóng góp trong thúc đẩy bình đẳng giới. Lần đầu tiên tại Việt Nam, NHNN đã có nữ Thống đốc; đồng thời, Thống đốc NHNN là 01 trong số 03 thành viên Chính phủ là nữ trên tổng số 26 thành viên Chính phủ hiện nay. Không thể phủ nhận sự đóng góp đặc biệt quan trọng của nữ cán bộ đối với sự phát triển của ngành ngân hàng trong suốt chiều dài lịch sử. Ở tất cả các vị trí trong ngành ngân hàng, từ các vị trí quản lý nhà nước, tham mưu hoạch định chính sách đến các vị trí kinh doanh, tác nghiệp tại hệ thống các ngân hàng thương mại đều có sự tham gia chủ động, tích cực của cán bộ nữ trong Ngành. Mặc dù mỗi lĩnh vực đều có những thuận lợi và không ít khó khăn nhưng cán bộ nữ ngành ngân hàng đã tự tin khẳng định và phát huy hết khả năng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN

Ở cương vụ nữ Thống đốc đầu tiên của ngành ngân hàng Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, ngành ngân hàng hiện có 320.000 cán bộ, trong đó có 190.000 là cán bộ nữ tương đương 59%. "Những đặc tính về giới của phụ nữ như tỉ mỉ, chính xác, kiên trì, thận trọng rất phù hợp với yêu cầu của ngành ngân hàng", Thống đốc nhận định. 

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ngành ngân hàng Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về bình đẳng giới và đang tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Theo đó, đã tham mưu chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế trong đó phụ nư như: Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo; Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/04/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. 

>>>Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhìn từ vai trò của các Hội doanh nghiệp

NHNN phối hợp với ADB triển khai dự án hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH triển khai tín dụng chính sách xã hội hướng đến nhóm đối tượng khách hàng nữ; NHCSXH, Agribank đã phối hợp hiệu quả với các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để truyền tải vốn tín dụng thông qua hoạt động của các tổ vay vốn...

(Nguồn: SBV)

Thách thức của nữ giới hướng tới tương lai (Nguồn: SBV)

Hướng tới tương lai, theo Thống đốc, các mục tiêu có những thách thức nhất định như: Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước thì thách thức đối tượng quản lý và khối lượng công việc của NHNN tăng trưởng ở quy mô lớn, mức độ phức tạp cao. Với vai trò là NHTW: NHNN đã và đang phải đối mặt với tất cả những khó khăn, thách thức điển hình của một NHTW tại các nước phát triển. Đặc biệt, với hệ thống NHTM, các ngân hàng cần phải đảm bảo an toàn và kinh doanh sinh lời; đồng thời cũng cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý. Trong khi đó, các chỉ tiêu quan trọng như tỷ lệ tín dụng/GDP và tín dụng/huy động vốn đã và đang ở mức cảnh báo. Sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặt ra yêu cầu cao về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại. "Đối với hệ thống NHTM Với vai trò là lực lượng lao động chiếm tỷ trọng cao trong ngành, phụ nữ ngân hàng có trọng trách cùng chung tay đối mặt và từng bước giải quyết những khó khăn, thách thức nói trên", Thống đốc khẳng định.

Đại diện một trong những NHTMCP có vốn Nhà nước, ông Phạm Quang Dũng - Ủy viên BTV Đảng ủy Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank (VCB) - chia sẻ, tại Vietcombank, có 2 nguyên tắc để thực hiện bình đẳng giới. Thứ nhất, Bình đẳng giới phải đi từ nhận thức đến hành động: Tuyên truyền, phổ biến để người lao động hiểu đúng, hiểu rõ, hiểu đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình; Lãnh đạo ngân hàng và các bộ phận xây dựng chính sách nhận thức đầy đủ, đúng đắn về bình đẳng giới; Chính sách nội bộ ban hành có tác dụng thúc đẩy bình đẳng giới. Thứ hai, Bình đẳng giới không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội: Xem đây là điều kiện quan trọng phát huy tiềm năng, thúc đẩy tính năng động, sáng tạo của người lao động. Với tỷ lệ lao động nữ của ngành ngân hàng là 56%, của VCB là hơn 60%, các nguyên tắc này đã được VCB và đạt được những kết quả tích cực. 

"Định hướng về thực hiện bình đẳng giới thời gian tới tại VCB là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, người lao động; biến nhận thức thành hành động, thành các chính sách cụ thể. Gia tăng số lượng lãnh đạo nữ trong đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung và đội ngũ cán bộ cấp cao. Hiện tại, Vietcombank đang hoàn thiện thủ tục để bổ sung 1 nữ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028, 1 nữ Giám đốc Khối và nữ kế toán trưởng. Đẩy mạnh đầu tư chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ nữ; tăng cường các chương trình đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý cho cán bộ nữ.", ông Phạm Quang Dũng cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thống đốc NHNN: Chính sách tiền tệ đã rất nới lỏng

    Phó Thống đốc NHNN: Chính sách tiền tệ đã rất nới lỏng

    03:10, 01/10/2023

  • NHNN hút ròng, tỷ giá chưa giảm áp lực

    NHNN hút ròng, tỷ giá chưa giảm áp lực

    11:00, 29/09/2023

  • Lo ngại về động thái hút tiền của NHNN đang lớn hơn thực tế

    Lo ngại về động thái hút tiền của NHNN đang lớn hơn thực tế

    12:14, 26/09/2023

  • NHNN cho phép “đảo nợ”: Khoảng cách từ chính sách đến thực tế còn xa

    NHNN cho phép “đảo nợ”: Khoảng cách từ chính sách đến thực tế còn xa

    05:24, 07/09/2023

L.MỸ