NHNN chấp thuận BIDV tăng vốn điều lệ lên 57.004 tỷ đồng

DƯƠNG THUỲ 24/10/2023 07:53

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ thêm 6.419 tỷ đồng. Theo đó, dự kiến vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên 57.004 tỷ đồng.

>>BIDV dành 4.200 tỷ đồng tín dụng xanh cho doanh nghiệp dệt may

NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ cho ngân hàng lên

NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ cho ngân hàng lên 57.004 tỷ đồng

NHNN vừa chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.419 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 đã được Đại hội đồng cổ đông BIDV thông qua.

Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật về phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo nội dung trên, BIDV có trách nhiệm trình NHNN hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

BIDV đã phát hành thêm tối đa 642 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị phát hành theo mệnh giá là 6.419 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành.

Hiện vốn điều lệ của BIDV ở mức 50.585 tỷ đồng. Sau khi phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên 57.006 tỷ đồng, trở thành thành viên Big4 có vốn điều lệ cao nhất và đứng thứ hai toàn hệ thống ngân hàng.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên, bên cạnh kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, BIDV cũng có kế hoạch tiếp tục thực hiện phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo Phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua để tăng vốn điều lệ thêm 4.552 tỷ đồng.

Được  biết vốn điều lệ tăng thêm rằng sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh cho các hoạt động như hoạt động tín dụng, đầu tư, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ môi giới, ngân hàng số và nâng cao năng lực cạnh tranh của mạng lưới kinh doanh.

Đánh giá về tình hình kinh doanh của BIDV, hiện tổng tài sản hợp nhất cuối quý II/2023 đạt trên 2,12 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vững hiện vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất thị trường. Huy động vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống. Đến 30/06/2023, tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 4,36% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng tốt ở phân khúc bán lẻ, góp phần gia tăng tính ổn định của nền vốn.

Hoạt động tín dụng ghi nhận mức tăng khá so với bình quân ngành ngân hàng, dư nợ tín dụng tăng 6,93% so với đầu năm, trong đó cho vay khách hàng đạt gần 1,63 triệu tỷ đồng, tăng 7,02%; Dư nợ tín dụng tăng trưởng đều ở cả phân khúc bán lẻ (6%) và bán buôn (7,5%), tăng trưởng tốt ở nhóm khách hàng FDI (36,6%), nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (7,1%).

Chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN thời điểm 30/06/2023 kiểm soát theo định hướng (≤1,4%). Hiệu quả kinh doanh 6 tháng ghi nhận kết quả tích cực, chênh lệch thu chi hợp nhất đạt 23.582 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo nhận định về BIDV, Công ty Chứng khoán Yuanta duy trì mức dự báo tăng trưởng tín dụng là 13% trong năm 2023 và tăng dự báo cho năm 2024 lên 14%. Yuanta cho rằng, tiềm năng từ việc bán 9% cổ phần thông qua phương thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho năm 2024 và những năm tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhận biến động số dư với mức phí 0 đồng tại BIDV

    Nhận biến động số dư với mức phí 0 đồng tại BIDV

    10:20, 23/10/2023

  • BIDV với kế hoạch tăng vốn

    BIDV với kế hoạch tăng vốn "kép" trong năm 2023

    05:18, 16/10/2023

  • BIDV dành 4.200 tỷ đồng tín dụng xanh cho doanh nghiệp dệt may

    BIDV dành 4.200 tỷ đồng tín dụng xanh cho doanh nghiệp dệt may

    08:06, 11/10/2023

DƯƠNG THUỲ