Khối ngoại mua vào cổ phiếu VPB trước thềm chốt chia cổ tức bằng tiền
Phiên giao dịch ngày 6/11, khối ngoại tiếp tục mua vào cổ phiếu VPB - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
>>>Tích lũy cổ phiếu ngân hàng dưới "chân sóng"
Chỉ còn 03 ngày nữa là ngày chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt của VPBank, khối ngoại lại tiếp tục mua vào cổ phiếu VPB đón trước thời điểm này. Riêng phiên giao dịch ngày 6/11, khối ngoại mua vào hơn 2 triệu cổ phiếu VPB với tổng giá trị giao dịch 42,5 tỷ đồng. Khối ngoại quay lại mua ròng sau nhiều phiên bán mạnh cổ phiếu VPB.
Theo các chuyên gia, động thái của khối ngoại cho thấy họ kỳ vọng hưởng lợi từ cổ tức khi nhà băng này sau nhiều năm chia giấy đã bắt đầu chia tiền mặt cho cổ đông khi được NHNN chấp thuận.
Theo thông báo đã được công bố, VPB sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 10/11 để thực hiện chi trả cổ tức 10% bằng tiền mặt. Thời gian nhà băng này dự kiến thực hiện chia cổ tức là ngày 20/11/2023.
Như vậy, với hơn 7,9 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VPB sẽ chi ra hơn 7.900 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, VPB thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.
Trước đó, VPB đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), chính thức đưa ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của VPB. Với việc sở hữu hơn 1,19 tỷ cổ phiếu của nhà băng này, SMBC sẽ được nhận số tiền cổ tức lên tới hơn 1.190 tỷ đồng.
>>>VPBank tung loạt đặc quyền đẳng cấp quốc tế dành tặng giới siêu giàu
Theo các chuyên gia, việc SMBC nhận được khoản cổ tức “khủng” nhiều khả năng đã nằm trong thỏa thuận giữa định chế tài chính với ngân hàng từ trước. Bởi lẽ trong Nghị quyết HĐQT về việc chốt ngày đăng ký cuối cùng thực hiện chi trả cổ tức, VPB cho biết ngày chốt quyền phải đảm bảo ngân hàng đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu cho SMBC và nhà đầu tư này đã có tên trong danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cung cấp.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngân hàng chưa thể chia cổ tức cho cổ đồng bằng tiền mặt thì bằng việc chia cổ tức bằng tiền mặt 10% cho thấy VPBank đã lựa chọn hướng đồng hành cùng cổ đông chiến lược và các cổ đông nhỏ lẻ.
Việc VPB trình kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt cũng phần nào khẳng định tiềm lực của ngân hàng đã được củng cố mạnh mẽ, do trong 3 năm vừa qua liên tục “gia cố” bộ đệm vốn. Trong bối cảnh chất lượng tài sản giữa các ngân hàng có sự phân hóa, thì không phải ngân hàng nào cũng có thể sẵn sàng chia cổ tức bằng tiền.
Liên quan đến cổ phiếu VPB, theo thông báo mới nhất, ông Ngô Chí Trung Johnny - con trai ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPB - cũng đã hoàn tất mua vào 70 triệu cổ phiếu VPB nhằm mục đích đầu tư. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận trong khoảng thời gian từ 2/10 đến 2/11.
Trước đó, ông Ngô Chí Trung Johnny không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu VPB nào. Sau giao dịch, con trai Chủ tịch VPBank nắm giữ 0,88% vốn tại nhà băng này. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng đang trực tiếp nắm giữ gần 328,6 triệu cổ phiếu VPB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 4,14% cổ phần của ngân hàng.
Hiện tại, gia đình Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng đang sở hữu khoảng 1,1 tỷ cổ phiếu VPB. Ngoài ông Dũng và con trai, các thành viên nắm giữ lượng lớn là bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Ngô Chí Dũng) hiện đang nắm 326,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,12%) và bà Vũ Thị Quyên (mẹ ruột ông Ngô Chí Dũng) nắm 325,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,11%).
Đánh giá về kết quả kinh doanh của VPB, Công ty Chứng khoán MBS cho biết luỹ kế 9 tháng 2023, thu nhập hoạt động của ngân hàng giảm 19,2% so với cùng kỳ trong đó thu nhập ngoài lãi giảm 35,1% mà chủ yếu do năm 2022, VPB ghi nhận khoản thu bất thường hơn 5.700 tỷ đồng trong quý 1/2022. Cuối tháng 9, tín dụng tăng 17,1% so với đầu năm, tăng nhẹ so với mức 26,7% cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí trích lập dự phòng tăng 17,7% kéo lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 51,5%.
Chất lượng tài sản của ngân hàng có sự cải thiện so với các quý trước. Tại thời điểm cuối quý 3/2023, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 của VPB cải thiện đáng kể so với quý 1/2023. Tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) của ngân hàng đạt mức 42,7%, tăng nhẹ so với quý 2/2023 là 37,7%.
Mới đây, VPB công bố đã hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho SMBC với giá trị 35.900 tỷ đồng. Toàn bộ số cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm tới. CAR của ngân hàng được nâng lên mức xấp xỉ 19%, theo Moody’s là cao nhất toàn ngành ngân hàng Việt Nam. Do vậy, nhà đầu tư đang tiếp tục nắm giữ cổ phiếu VPB đợi chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt.
Có thể bạn quan tâm
Thương vụ bán vốn của VPBank và những cuộc đua
13:18, 11/07/2023
VPBank tung loạt đặc quyền đẳng cấp quốc tế dành tặng giới siêu giàu
13:00, 07/07/2023
Dealtoday hợp tác toàn diện cùng VPBank: Kết nối công nghệ với trải nghiệm khách hàng
08:00, 12/05/2023
Thương vụ bán vốn của VPBank và những cuộc đua mới
16:00, 21/03/2023
VPBank chinh phục khách hàng doanh nghiệp bằng nhiều điểm chạm đắt giá
11:06, 15/03/2023