“Cuộc chiến” điều kiện kinh doanh nhìn từ Hiến pháp 2013
Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 08/2018/NĐ-CP nhằm sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương. Sự kiện này chứng minh quyết tâm của Chính phủ trong việc tiếp tục thực hiện mục tiêu cắt giảm, đơn giản hoá 50% danh mục hàng hoá, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh hướng tới đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN – 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong năm 2018.
1. Chính phủ đã “dẹp” được mọi nghi ngờ về quyết tâm của Chính phủ, các Bộ trong việc giải quyết một vấn nạn dai dẳng, giằng co suốt vài chục năm qua liên quan đến việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân. Chúng ta đang chờ hiệu ứng dây chuyền tới từ các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và nhiều Bộ ngành khác hoặc đang ráo riết, quyết liệt triển khai hoặc đang tích cực chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công đồng loạt nhằm loại bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp pháp, không hợp lý mà hậu quả không chỉ là cản trở sự nghiệp giải phóng sức dân, khơi nguồn khởi nghiệp mà còn làm hạn chế, bóp méo một quyền cụ thể trong quyền con người được qui định tại Điều 33 Hiến pháp 2013 ”mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Để có được điều luật này, Việt Nam đã phải chờ đợi gần 30 năm kể từ ngày Đổi mới, mở đầu là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 rồi đến Điều 57 Hiến pháp 1992 (dù quy định hãy còn khá ngập ngừng) “công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” và nay, với Hiến pháp 2013 thì quyền tự do kinh doanh đã được quy định rất rõ ràng, minh bạch.
2. Quyền tự do kinh doanh là một trong các quyền cụ thể của quyền con người. Hiến pháp năm 2013 đã đặt đúng vị trí quyền con người như là định chế cơ bản, bao gồm các quyền về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, phù hợp với mong muốn của gần 100 triệu người dân nước Việt, tương thích với thế giới văn minh thời kỳ hội nhập, với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia. “Mọi người” trong điều luật này không chỉ là công dân, không chỉ là người Việt mà còn cả những người chưa là công dân, người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh đều có quyền tự do kinh doanh, thể hiện cam kết của Nhà nước Việt Nam đối với toàn dân, với quốc tế trong thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng.
3. Long trọng tuyên bố quyền con người nói chung, quyền tự do kinh doanh nói riêng, Hiến pháp còn quy định nghĩa vụ của Nhà nước “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Nếu “công nhận, tôn trọng” thể hiện quan điểm của Nhà nước thì “bảo vệ, bảo đảm” thể hiện quyết tâm, cam kết bằng trách nhiệm, nghĩa vụ cao nhất, bằng cả mọi nguồn lực tinh thần và vật chất để các quyền công dân, quyền con người, trong đó có quyền tự do kinh doanh phải được thực thi thuận lợi nhất và hiệu quả nhất.
4. Quyền tự do kinh doanh không phải là tuyệt đối, nó cũng như nhiều quyền khác, phải tuân theo nguyên tắc “quyền của cá nhân, tổ chức này không được gây phương hại đến quyền của cá nhân, tổ chức khác” và vì vậy, trong một số trường hợp phải được giới hạn. Việc giới hạn quyền tự do kinh doanh phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản, phù hợp với thế giới văn minh, theo hướng Nhà nước “tạo mọi điều kiện để thực hiện quyền tự do kinh doanh” chứ không phải Nhà nước quản lý quyền đó theo hướng “quản được đến đâu thì cho phép mở rộng quyền đến đó”. Các nguyên tắc giới hạn quyền tự do kinh doanh phải đảm bảo vì mục đích chính đáng, bảo đảm sự phù hợp giữa giới hạn quyền và mục đích đặt ra và cuối cùng phải bảo đảm được sự công bằng giữa lợi ích thu được với giới hạn quyền . Luật đầu tư 2014 đã cụ thể hoá nguyên tắc hạn chế quyền tự do kinh doanh với hai điều khoản, điều thứ nhất là quy định ngành nghề cấm kinh doanh phải bằng Luật chứ không phải bằng văn bản dưới luật. “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề mà Luật này không cấm” ( Điều 6). Như vậy, chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền ban hành các quy định ngành nghề kinh doanh bị cấm, chấm dứt một thời kỳ dài nhiều cơ quan khác nhau trong bộ máy hành pháp đã ban hành các quy định cấm rất tuỳ tiện, đầy rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đối với các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Luật đầu tư quy định 5 lý do để giới hạn quyền tự do kinh doanh, đó là các ngành nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng (Điều 71). Luật này quy định tiếp, cụ thể hơn đó là điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh (Điều 7.3). Quy định này là lời cáo chung cho một thời kỳ các điều kiện đầu tư kinh doanh tùy tiện mọc lên như nấm. Ở một khía cạnh khác, việc giao Chính phủ có thẩm quyền giới hạn quyền tự do kinh doanh bằng cách ban hành Nghị định đặt ra một thách thức về mức độ rủi ro trong việc “bảo vệ, bảo đảm” quyền tự do kinh doanh mà lẽ ra phải được quy định bởi Luật .
5. Chúng ta hoan nghênh các Bộ, ngành đang khẩn trương, quyết liệt tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi các điều kiện đầu tư kinh doanh vì đây là hiện tượng trước đây chưa hề có và nay cần được biểu dương, nhất là trong điều kiện chưa có quy định rõ ràng, trực tiếp về trách nhiệm chính trị, pháp lý nếu các bộ ngành không thực hiện việc này. Mặt khác, từ góc nhìn Hiến pháp 2013 cần thấy rằng đây là nghĩa vụ, là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc “công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm” quyền tự do kinh doanh của người dân. Do đó, mặc dù chưa có một cơ quan như Tòa án hiến pháp để người dân, doanh nghiệp khởi kiện bảo vệ quyền hiến định của mình, Chính phủ vẫn cần phải kiên quyết yêu cầu tất cả các Bộ, ngành phải khẩn trương, quyết liệt, với tinh thần thượng tôn Hiến pháp, rà soát lại các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình, sớm kiến nghị Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi các điều kiện đầu tư kinh doanh với ý nghĩa không phải đây là việc làm ban phát, xin cho mà là trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ hiến định của cơ quan nhà nước. Được biết Chính phủ đã có năm Nghị quyết trong sáu tháng gần đây đề cập đến việc này. Bước tiếp theo, Chính phủ cần tổng kết các điều kiện đầu tư kinh doanh trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi các điều kiện đầu tư kinh doanh để việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền tự do kinh doanh được thực hiên bởi cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đó là Quốc hội.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp và người dân cũng cần phải quyết liệt tham gia vào quá trình xây dựng môi trường tự do kinh doanh, sử dụng quyền hiến định nói trên trong vai trò bình đẳng, sòng phẳng, chủ động với cơ quan quản lý nhà nước nhằm trước tiên là để bảo vệ quyền hiến định mà mình có, sau đó là xây dựng một môi trường kinh doanh được tự do, cạnh tranh, thuận lợi, minh bạch, chi phí thấp, hiệu quả cao chứ không phải trong vai trò là người đi xin phải cầu cạnh, chạy chọt hoặc bị động ngồi chờ, bởi vì nếu không làm thế cũng có nghĩa là chúng ta đã thực hiện không đúng Hiến pháp 2013.