Chính phủ “chốt” phương án cho BOT Cai Lậy

Thy Hằng 31/01/2018 08:00

Gần 60 ngày kể từ quyết định tạm dừng thu phí tại trạm thu giá BOT Cai Lậy của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo chỉ đạo điều hành của Chính phủ về “điểm nóng” này.

Theo đó, để sớm triển khai hoạt động thu giá tại trạm thu giá BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các phương án giải quyết bất cập tại trạm thu giá BOT Cai Lậy theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 34/TB-VPCP ngày 23/1/2018.

những lùm xùm tại BOT Cai Lậy

Những lùm xùm tại BOT Cai Lậy bắt đầu từ tháng 8/2017.

Được biết, ngày 19/1/2018, UBND tỉnh Tiền Giang đã có báo cáo về chỉ đạo xử lý tại Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT Cai Lậy.

Bộ GTVT cũng cho biết đã cùng các cơ quan chức năng hoàn thành nghiên cứu 5 phương án để giải quyết bức xúc của người dân tại trạm thu phí này. Theo đó, Bộ đang phân tích ưu, nhược điểm của 5 phương án đưa ra để chọn giải pháp tốt nhất.

Các phương án đưa ra được cho là căn cứ vào nhiều yếu tố. Quan điểm của Bộ GTVT là hài hòa được lợi ích của người dân và phương án tài chính của chủ đầu tư. 

Hiện Bộ GTVT cho biết đã chọn được 2 phương án cho trạm BOT này. trong đó có việc xây thêm trạm thu phí trên tuyến tránh và xây trạm thu phí trên quốc lộ 1 để tách dời hai dự án. Phương án nào cũng có ưu nhược điểm nên Bộ GTVT cho biết cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng. Bộ sẽ có buổi làm việc cuối cùng với các bộ ngành, UBND tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư và gửi văn bản trình 2 phương án lên Thủ tướng.

Trước đó, sau những lùm xùm tại BOT Cai Lậy, ngày 4/12/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang. Tại buổi làm việc, Bộ GTVT đã báo cáo 3 phương án đối với tuyến tránh Cai Lậy. 

Thủ tướng sau đó đã quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1-2 tháng để tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.

“Có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Trong khi Bộ GTVT hoàn thiện phương án cuối cùng trình Thường trực Chính phủ, các cơ quan liên quan cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chia sẻ với DĐDN, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính từng nhận định, về lâu dài BOT Cai Lậy phải đưa trạm về đường tránh. Bộ GTVT phải đàm phán lại với nhà đầu tư đã thảm lại mặt đường 1 để có phương án xử lý, kiểm tra, tính toán chất lượng để đền bù thoả đáng cho nhà đầu tư. Không chỉ với riêng BOT Cai Lậy, tất cả các dự án BOT đều cần phải công khai, minh bạch.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, tuyến tránh Cai Lậy là một trong 88 tuyến giao thông được xây dựng theo hình thức BOT. Đây là các dự án được xây dựng theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 108 của Chính phủ về huy động nguồn lực ngoài xã hội để hiện đại hóa hạ tầng giao thông. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn và cần tiếp tục hình thức này để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.

Thy Hằng