Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo khách hàng liên quan đến vụ kiện với Apple
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã chính thức lên tiếng vụ người tiêu dùng Việt Nam kiện Apple.
Trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người cho biết trong thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông trong nước và thế giới đã đưa tin về vụ việc Tập đoàn Apple Inc., có trụ sở tại One Infinite Loop, Cupertino, CA 95014, Hoa Kỳ làm chậm tốc độ các sản phẩm điện thoại iPhone thế hệ cũ (từ Iphone 7 Plus trở xuống tới Iphone SE) do Apple Inc cung cấp sau khi người tiêu dùng cập nhật phiên bản hệ điều hành mới.
Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng đang sử dụng các sản phẩm liên quan nói trên, như sau:
1. Chủ động liên hệ với các cửa hàng bán sản phẩm, các đại lý, trạm dịch vụ được ủy quyền của Apple Inc. và các nhà cung cấp sản phẩm điện thoại iPhone tại Việt Nam để yêu cầu hỗ trợ cung cấp thông tin về vụ việc, kiểm tra sản phẩm và thực hiện các biện pháp xử lý cần thiết (nếu có).
Hiện tại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang làm việc với các bên liên quan cũng như giám sát diễn biến vụ việc và tiếp tục có các thông tin tới người tiêu dùng trong thời gian tới.
2. Trong trường hợp có dấu hiệu của hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị người tiêu dùng liên hệ với các Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố để được tư vấn về chính sách, pháp luật có liên quan hoặc liên hệ với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương theo các phương thức sau đây:
i) Tổng đài tư vấn tiêu dùng miễn phí 18006838 (hoạt động từ 8h30 đến 11h30 và 14h00 đến 16h30 các ngày trong tuần, trừ thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ, tết).
ii) Gửi đơn khiếu nại trực tiếp trên website bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa chỉ (http://bvntd.vca.gov.vn/SitePages/Home.aspx); hoặc
iii) Gửi đơn khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng theo địa chỉ số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trước đó, như DĐDN đã đưa tin, Tòa án nhân dân TP HCM đã nhận được đơn khởi kiện Công ty TNHH Apple Việt Nam do hai luật sư Nguyễn Ngọc Hùng và Trần Mạnh Tùng, thuộc văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư Hà Nội, đứng tên vào ngày 10/1. Hồ sơ dài hơn 600 trang khởi kiện Apple đã cố tình làm chậm iPhone cũ thông qua việc phát hành phiên bản hệ điều hành mới làm giảm hiệu suất trên các phiên bản điện thoại iPhone 6, iPhone 6 Plus, iPhone 6s, iPhone 7, iPhone 7 Plus và iPhone SE mà không hề thông báo trước. TPHCM cũng là nơi có văn phòng đại diện chính thức của hãng Apple tại Việt Nam. Đó là Công ty TNHH Apple Việt Nam. Đối với hãng Apple, Văn phòng luật sư Kết nối cũng đang chuẩn bị hồ sơ để thông báo với Apple về việc tiến hành vụ kiện tại Việt Nam.
Tính đến 19 giờ ngày 31/1/2018, trên trang http://batterydown.vn (do văn phòng luật sư Kết Nối lập ra để người dùng iPhone tại Việt Nam có thể đăng ký tham gia vụ kiện), số người đăng ký khởi kiện đã lên tới hơn 4345 người. Trong hồ sơ khởi kiện, các luật sư yêu cầu Apple đưa ra các giải pháp sửa chữa, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và ngăn chặn việc gây thiệt hại cho người dùng khi cập nhật các phần mềm, hệ điều hành mới dành cho sản phẩm điện thoại iPhone, phân phối cho người tiêu dùng ở Việt Nam.
“Đối với những sản phẩm đã bị lỗi, khuyết tật về kỹ thuật (suy giảm hiệu suất của điện thoại và suy giảm một số tính năng khác do sử dụng bản cập nhật hệ điều hành mới), Apple cần sửa phần mềm, hệ điều hành để điện thoại người dùng trở về đúng hiệu năng ban đầu, hoặc phải thay pin miễn phí để điện thoại người dùng có hiệu năng như trước khi bị lỗi do Apple gây ra”, đơn kiện yêu cầu. Tuy nhiên đơn không đưa ra mức bồi thường về tiền như các đơn kiện ở một số quốc gia khác.
Có thể bạn quan tâm |
Hồi cuối tháng 12, Apple đã viết thư xin lỗi người dùng toàn cầu khi nhận được hàng loạt phản hồi về việc hãng làm chậm hiệu năng một số mẫu iPhone cũ. Đồng thời, hãng công nghệ này cũng công bố giảm 50 đô la Mỹ chi phí thay pin cho người dùng iPhone 6 trở về sau, tức chi phí thay pin chỉ còn 29 đô la.
Tuy nhiên, phía các luật sư cho rằng đây thực chất là lỗi của Apple, nhà sản xuất phải có trách nhiệm thay pin miễn phí cho người dùng thay vì chỉ “giảm giá” thay pin như đang thực hiện.
Các vụ kiện Apple đều có chung một lập luận rằng, trong khi hãng này đã cập nhật phiên bản hệ điều hành iOS 10.2.1 cho các dòng iPhone đời cũ đã âm thầm cài tính năng làm giảm hiệu năng của máy mà không hề minh bạch công bố cho người tiêu dùng biết. Hành vi đó đã bị một tổ chức chuyên kiểm định phát hiện, và sau đó dư luận từ các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đặt nghi vấn Apple làm vậy nhằm mục đích thúc đẩy người tiêu dùng thay pin mới hoặc đổi lên iPhone đời mới nhằm tăng doanh số bán hàng.
Ngay tại Mỹ, tính đến thời điểm này đã có khoảng 20 vụ kiện Apple vì vấn đề này ở các bang New York, California, Illinois, với mức đòi bồi thường lên đến 1.000 tỉ USD. Làn sóng kiện Apple cũng lan sang Hàn Quốc với hơn 300.000 người ký đơn tập thể, và tại Israel. Riêng tại Pháp, vụ kiện Apple đòi bồi thường hàng trăm triệu USD và còn đẩy lên thành hình sự vì cho rằng “Apple lừa dối người tiêu dùng”.
Cho tới nay, chưa có phán quyết cụ thể của các toà án trên thế giới về việc Apple phải bồi thường hoặc giải quyết vấn đề cố tình làm chậm sản phẩm. Do đó, vẫn chưa có hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc văn phòng luật sư nào có thể đưa ra tuyên bố về khả năng người tiêu dùng có kiện thành công hay không.