Nghị định số 83/2014/NĐ-CP: Quy định “ngặt nghèo” đã phá vỡ tính thị trường

Nguyễn Việt 03/02/2018 15:00

Chính phủ ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Trong đó, về lĩnh vực xăng dầu, bãi bỏ một số điều, khoản của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Chính phủ ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP bãi bỏ một số điều, khoản của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Chính phủ ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP bãi bỏ một số điều, khoản của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay đang vận hành theo Nghị định 83 của Chính phủ từ năm 2014 mục tiêu là từng bước thị trường hóa đưa hoạt động xăng dầu theo cơ chế thị trường đầy đủ, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, một số quy định đã không còn phù hợp với thực tế.

Theo ông Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Thương mại (Bộ Công Thương), xăng dầu là loại kinh doanh có điều kiện và được quy định kinh doanh theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, xăng dầu được kinh doanh theo kiểu độc quyền được liên Bộ Công thương - Tài chính quản lý. Chúng ta đã cam kết mở cửa thế nhưng cho đến hiện nay trong việc kinh doanh xăng dầu chưa có sự cạnh tranh trên thị trường nội địa và càng không có sự cạnh tranh của quốc tế.

Đối với khâu nhập khẩu xăng dầu, thương nhân kinh doanh được quyền quyết định khối lượng xăng dầu nhập khẩu các loại để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Ngoài ra, giá cơ sở được công bố theo biến động thị trường thế giới và thời hạn điều chỉnh là 15 ngày. Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này có nguy cơ tạo ra lỗ hổng cho các doanh nghiệp đầu mối hưởng lợi lớn, trong đó, đáng lẽ người tiêu dùng cũng phải được hưởng.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong kinh doanh xăng dầu, những quy định về cầu cảng, dung tích kho chứa, phương tiện vận tải, hệ thống phân phối, số lượng trạm xăng... cần phải được cân nhắc lại; phải làm sao để tạo ra sự cạnh tranh, bình đẳng, doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia kinh doanh, tránh hiện tượng độc quyền. Khi đó người tiêu dùng sẽ có lợi.

“Với các doanh nghiệp xăng dầu nhỏ thì không nên nhất thiết đòi hỏi họ có bao nhiêu kho xăng dầu lớn, bao nhiêu trạm xăng dầu. Những điều kiện này, tôi nghĩ Bộ Công Thương nên xem xét lại có cần thiết hay không? Quy định về quy mô kho xăng dầu, phương tiện vận tải, số lượng trạm xăng nên để nhà kinh doanh tự quyết định, vì cái đó không ảnh hưởng gì cả” - ông Doanh nói.

Một số ý kiến khác cho rằng, chính những quy định ngặt nghèo về điều kiện kinh doanh đã phá vỡ tính thị trường mặt hàng xăng dầu ở Việt Nam; “khuyến khích” độc quyền, hạn chế cạnh tranh, dẫn đến xăng bán lẻ chỉ có một giá. Cũng từ đó, dư luận nghi ngại về sự minh bạch trong giá bán xăng; việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, nguồn gốc xăng…

Trước sức ép mở cửa thị trường xăng dầu, việc điều chỉnh công cụ quản lý là rất cần thiết. Có như vậy, thị trường xăng dầu mới tạo được môi trường cạnh tranh, công khai, minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng ở mức cao hơn.

Nguyễn Việt