Ngày mai 7/2, xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp giữa các thành viên Tập đoàn Trung Nguyên
Sáng 7/2/2018, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp giữa các thành viên Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Phó Tổng Giám đốc) với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Tổng giám đốc, cũng là chồng bà Thảo).
Trước đó, ngày 22/9/2017, Tòa án Nhân dân TP HCM đã xét xử sơ thẩm vụ kiện với phán quyết như sau:
Thứ nhất, hủy Quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Thứ hai, khôi phục tư cách Phó Tổng Giám đốc của bà trong Tập đoàn Trung Nguyên và yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo điều hành và quản lý tại Tập đoàn này.
Tuy nhiên, ngày 10/10/2017, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo bản án này và tiếp tục ra Quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Diệp Thảo.
Thương hiệu cà phê Trung Nguyên ra đời năm 1996 do ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng sáng lập và sở hữu.
Sau hai mươi năm phát triển, Trung Nguyên vươn lên từ một sản phẩm địa phương để trở thành Thương hiệu Quốc gia trong nhiều năm liên tiếp và góp phần đưa cà phê Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Vụ tranh chấp của hai lãnh đạo cao nhất, hai nhà sáng lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên xảy ra bắt đầu vào tháng 4/2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên. Sự kiện này gây xáo trộn thị trường cà phê Việt Nam, khiến nội bộ Trung Nguyên trở nên rối ren, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh.
Tuy nhiên, một nguồn tin riêng cho hay thực tế là từ khi có bản án sơ thẩm của TAND TP HCM, bà Thảo vẫn chưa được trở về điều hành công ty mà mình đã sáng lập và đang là đồng sở hữu.
Cũng trong thời gian này, tòa án đang thụ lý xem xét vụ ly hôn của hai vợ chồng bà Thảo, ông Vũ. Cả hai vợ chồng đều đang sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7.
Được biết vừa qua bà Thảo đã có đơn gửi đến chánh án TP HCM yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng trong tập đoàn Trung Nguyên trong vụ án ly hôn. Theo đó, toàn bộ tài sản của gia đình và công ty được hình thành trong thời kỳ hôn nhân mà người vợ vừa là đồng sáng lập và đồng sở hữu thì phải được đồng quyền, tránh trường hợp một bên đơn phương ra các quyết định làm thay đổi khối tài sản trong quá trình chờ tòa án ra quyết
Vì thế, phiên tòa ngày 7/2 sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với gia đình hai vị lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Trung Nguyên cũng như đường hướng điều hành, phát triển tương lai của Tập đoàn này.