Vụ kiện Vinasun – Grab: Không đơn thuần là tranh chấp thương mại
Luật sư Nguyễn Hải Vân và Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP HCM khẳng định với DĐDN: Vụ kiện Vinasun – Grab không đơn thuần là vụ kiện tranh chấp thông thường giữa hai doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Hải Vân: trong tương lai, khách hàng sẽ là “nạn nhân”!
Với những thông tin, tài liệu, chứng cứ sống được nghiên cứu kỹ lưỡng trong thời gian hơn 1 năm có thể nói, hành động của Grab đang thực hiện tại Việt Nam là đặc biệt nghiêm trọng. Grab đã thực hiện nhiều thủ đoạn kinh doanh trái luật, gây thiệt hại trực tiếp tới Vinasun nói riêng và các hãng taxi truyền thống nói chung.
Chưa dừng lại ở đó, họ còn có những động thái đối xử bất công, tự ý đưa ra những hình phạt trực tiếp với chính các lái xe của họ là điều không tưởng. Những lái xe là người mà đang mang lợi nhuận khủng cho Grab mà họ còn kiếm cớ để phạt thì chắc chắn trong tương lai gần, khách hàng sẽ là những nạn nhân tiếp theo bị Grab bào mòn cho đến khi quyệt quệ, nếu như pháp luật không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Về bản chất trong thực hiện "Đề án 24" thì Grab chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh công nghệ dịch vụ vận tải, thế nhưng khi triển khai Grab lại kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là vi phạm luật một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn cho các hãng taxi truyền thống và dẫn tới hiện tượng kiện cáo trong thời gian qua là điều hiển nhiên.
Việc Vinasun kiện Grab theo Luật Cạnh tranh, không tuân thủ theo quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, trong quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, các hãng taxi truyền thống đang phải gánh theo 13 loại thuế phí trong khi Grab chỉ gánh 3 loại điều kiện thuế phí là khập khiễng. Chúng ta đồng ý là quyền lợi cuối cùng có được là giá rẻ nhất cho người tiêu dùng, nhưng trên cơ sở là cùng một điều kiện kinh doanh để cạnh tranh lành mạnh.
Nếu như Grab chấp hành mọi điều kiện giống như các hãng taxi truyền thống đang thực hiện mà vẫn cho ra được giá rẻ để phục vụ người tiêu dùng như hiện nay thì đó là điều đáng hoan nghênh và các hãng taxi truyền thống cần phải xem lại và học theo...Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì đúng ra, tất cả các hãng taxi truyền thống cần phải đứng lên đấu tranh và khởi kiện Grab ra tòa mới đúng chứ không phải chỉ để một mình Vinasun "cô đơn" đứng ra khởi kiện như hiện nay.
Phản biện của đại diện Grab tại phiên tòa nêu: Grab là công ty công nghệ, không cung cấp dịch vụ vận tải, không phải là nhà cung cấp dịch vụ vận tải…nhưng trong bản đăng ký thông tin với Sở KHĐT TP HCM lại ghi rõ ràng và cụ thể "kinh doanh vận tải hành khách"... Như vậy, rõ ràng là Grab đang đánh tráo khái niệm. Cụ thể, nếu Grab nói không kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi thì làm sao có thể tự quyết định giá cước vận chuyển, quyết định các nội dung chương trình khuyến mại về giá cước vận chuyển.
Việc Grab liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại “gửi thẳng đến điện thoại của các nhóm khách hàng đi taxi”; nhận tiền thanh toán cước vận chuyển từ khách hàng đi taxi sử dụng thẻ dịch vụ Grabtaxi; trả tiền chuyển thẳng vào tài khoản Grabtaxi; chế độ thưởng, phạt, kiểm soát hành vi, thái độ của tài xế đối với hành khách thuê đi taxi do Grab thực hiện? Việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho khách hàng đi xe Grab đang đặt nhiều nghi vấn, thiếu minh bạch. Nếu là khách hàng mua hoặc thuê phần mềm ứng dụng kết nối vận tải thì có rủi ro cho khách hàng hay không mà Grab phải mua loại bảo hiểm này? Như vậy, căn cứ vào các đặc điểm nêu trên cho thấy: thông qua việc sử dụng phần mềm kết nối vận tải, Grab chính là doanh nghiệp cung cấp vận chuyển thể hiện qua việc, kiểm soát quy trình vận chuyển hành khách, giá cước, giá khuyến mại… Và các doanh nghiệp, HTX mà Grab ký hợp đồng hợp tác chỉ là trên danh nghĩa mà thôi.
Luật sư Nguyễn Văn Đức: Grab thực hiện khuyến mại trái luật
Điều 101 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “trước khi hoạt động thương mại, thương nhân phải đăng ký và sau khi kết thúc hoạt động khuyến mại, thương nhân phải thông báo kết quả với cơ quan nhà nước về thương mại". Tuy nhiên, Grab không thực hiện nghiêm túc quy định này.
Cụ thể, bằng chứng chứng minh Grab thực hiện khuyến mại không đăng ký: Vi bằng số 5018/2017/VB-TPL ngày 10/11/2017 (tên khách hàng: Phạm Minh Trung), Vi bằng số 5019/2017/VB-TPL ngày 10/11/2017 (tên khách hàng: Trịnh Thị Ánh Nguyệt), Vi bằng số 5021/2017/VB-TPL ngày 10/11/2017 (tên khách hàng Thái Đức Tín)…Thời gian khuyến mại cụ thể: từ tháng 1/2016 -30/6/2017, Grab đã tung ra rất nhiều chương trình khuyến mại, chỉ với 03 khách hàng nhưng Grab đã đưa ra tới 40 chương trình khuyến mại không đăng ký với Sở Công Thương TP HCM là trái luật.
Bên cạnh đó, căn cứ vào Nghị định 86/2014/NĐ-CP, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT, quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thì “Grab không tuân thủ quy định pháp luật về hợp đồng vận tải hành khách", cụ thể: Điều 7 Nghị định 86 quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng:
Thứ nhất, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải.
Thứ hai, khi thực hiện vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe phải mang theo bản chính hoặc bản sao hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới).
Áp dụng theo quy định này thì Grab đang đi ngược với quy định về kinh doanh vận tải. Việc Grab không đáp ứng được điều kiện về hợp đồng vận chuyển hành khách. Bởi, một hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung cơ bản như sau: thời gian thực hiện hợp đồng, địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe chiều đi và chiều về; số lượng hành khách; giá trị hợp đồng; các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình…
Và những bằng chứng cụ thể hơn chứng minh Grab đã vi phạm luật tại Việt Nam là: bị Sở GTVT TP HCM, đã nhiều lần xử phạt hành vi vi phạm đối với Grab trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi và được gửi cho Tòa án nhân dân TP HCM tại văn bản số 16735/SGTVT-VTĐB ngày 12/10/2017.
Đặc biệt hơn, tại biên bản hòa giải của Tòa án nhân dân TP HCM, Grab đã khẳng định: Uber “đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam tương tự như chúng tôi”. Với khẳng định này, chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý tới “phán quyết” ngày 20/12 của Tòa Công lý Châu Âu (ECJ), nhấn mạnh “dịch vụ do Uber cung cấp, theo đó kết nối các cá nhân với các tài xế không chuyên, vốn đã liên quan tới dịch vụ vận tải và vì thế phải được phân loại là “một lĩnh vực vận tải” trong khuôn khổ luật pháp của EU.
Như vậy, từ những phân tích và lập trên có thể nói, Grab đang hoạt động như một doanh nghiệp vận tải kinh doanh hành khách bằng taxi nhưng lại không phải thực hiện các nghĩa vụ như các hãng taxi truyền thống là thiếu công bằng trong hoạt động kinh doanh. Do đó, vụ việc này không chỉ đơn thuần là vụ kiện “thông thường” giữa hai doanh nghiệp, mà còn là mâu thuẫn cần điều chỉnh khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày một "can thiệp" sâu hơn trong đời sống xã hội.