Luật sư Trương Thanh Đức: Grab có thể khởi kiện ngược lại Vinasun

Thu Phương/Theleader 09/02/2018 18:01

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Grab có thể kiện ngược lại Vinasun vì chính công ty này đã có những hành động cạnh tranh không lành mạnh, trực tiếp phản đối taxi công nghệ.

Vụ kiện "Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" xét xử sơ thẩm theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp

Trước những cáo buộc của Vinasun cho rằng Grab Taxi đã lợi dụng Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp này. Mới đây hãng taxi công nghệ Grab đã có những phản pháo cho rằng, Vinasun kiện là không có cơ sở.

Công ty này khẳng định Vinasun không đưa ra được cách tính thiệt hại và chứng cứ chứng minh Grab Taxi vi phạm. Grab khẳng định chỉ cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải theo đúng pháp luật.

Trước những tranh cãi căng thẳng xung quanh vụ kiện này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO.

Trên khía cạnh luật pháp, ông có nhận định như thế nào trước những lập luận của Vinasun và Grab tại vụ kiện?

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng những phản pháo của Grab là hoàn toàn đúng. Mặc dù là nguyên đơn, nhưng rõ ràng Vinasun đang yếu thế trọng vụ kiện này.

Xét trên khía cạnh luật pháp, những cáo buộc của Vinasun cho rằng, Grab Taxi lợi dụng "Quyết định 24" của Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, làm náo loạn thị trường vận tải taxi, khiến khoảng 8.000 lao động của Vinasun nghỉ làm và hàng trăm xe phải nằm bãi.

Luật sư Trương Thanh Đức.

Luật sư Trương Thanh Đức.

Rồi cả những dẫn chứng từ “Báo cáo dự án nghiên cứu những thiệt hại của Vinasun từ chương trình khuyến mãi của Uber Việt Nam và GrabTaxi” do Công ty Nghiên cứu thị trường – Quảng cáo NBQ thực hiện xác định tỉ lệ thiệt hại mà GrabTaxi gây ra cho Vinasun từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017 là 52,52%. Thiệt hại này tương ứng số tiền là gần 40 tỷ đồng.

Thậm chí, Vinasun còn yêu cầu Grab bồi thường số tiền trên trong một lần trả.

Tôi cho rằng đây đều là những chứng cứ không có cơ sở pháp luật. Vinasun chưa đưa ra được các minh chứng cho rằng hãng này thiệt hại doanh thu là do Garb. Trong khi đó, khách hàng mới là người có quyền lựa chọn dịch vụ, doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ tốt hơn thì họ chọn.

Mặt khác, nếu nói về hình thức hoạt động taxi công nghệ, trên thị trường hiện nay còn có Uber, thậm chí nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống hiện nay cũng đã có taxi công nghệ, kể cả Vinasun.

Vậy theo ông, Vinasun có khả năng thắng kiện không?

Luật sư Trương Thanh Đức: Với những chứng cứ rất mơ hồ, không đủ khả năng thuyết phục, khả năng thắng kiện và đòi được tiền bồi thường 40 tỷ đồng từ Grab của Vinasun là không khả thi.

Vinasun có thể khởi kiện Grab trong trường hợp nào?

Luật sư Trương Thanh Đức: Vinasun chỉ có thể kiện Grab khi có những bằng chứng cụ thể rằng công ty này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín, tài sản, thu nhập của Vinasun.

Trong trường hợp này, Grab thậm chí có thể kiện ngược lại Vinasun vì chính công ty này đã có những hành động cạnh tranh không lành mạnh như chăng băng rôn khẩu hiệu phản đối taxi công nghệ.

Nói như vậy là Grab không sai, thưa ông?

Luật sư Trương Thanh Đức: Không hẳn vậy, Grab có một số lỗi sai mà Vinasun đã đưa ra như khuyến mại quá số ngày quy định, vi phạm luật cạnh tranh. Tuy nhiên, đây chỉ là sai phạm mang tính cá nhân doanh nghiệp.

Với sai phạm này, Vinasun chỉ có thể kiếu nại, tố cáo hành chính lên cơ quan Nhà nước, yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện đúng pháp luật quy định. Còn việc khởi kiện đích danh một công ty nào đó thì vẫn chưa đủ cơ sở và không khả thi.

Vừa qua, một doanh nghiệp taxi truyền thống khác là Công ty CP Tập đoàn Mai Linh đã có văn bản “cầu cứu” Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xin khất nợ bảo hiểm do những khó khăn của công ty, ông có đánh giá như thế nào về việc này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội, việc làm, bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật, chưa có quy định về việc khoanh nợ, giãn nợ và không tính lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do những khó khăn bất khả kháng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế doanh nghiệp này đang rất khó khăn trong kinh doanh. Tôi cho rằng, các cơ quan bộ ngành cũng nên cân nhắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Nếu không doanh nghiệp chỉ còn cách phá sản sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ cho an sinh xã hội, người lao động. Trong khi đó, nếu tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Nhà nước sẽ có nguồn để thu thuế lâu dài.

Xin cảm ơn ông!

Thu Phương/Theleader