Điểm mặt 13 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương (kỳ 1)

Nguyễn Việt 11/02/2018 06:06

LTS: Năm 2018 được Chính phủ lựa chọn là năm "bản lề" cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình từng khẳng định nội dung được chú ý nhiều nhất là quyết tâm xử lý những tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là 13 đại dự án thua lỗ. Để thực hiện được điều này, sẽ có nhiều nút thắt cần được giải tỏa.

Kỳ 1: Dự án nhà máy thép Việt – Trung (VTM): Thua lỗ vì trùng “bão giá” và tự “trói” mình   

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án nhà máy thép Việt – Trung (VTM) với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng là 1 trong số 13 dự án nghìn tỷ thua lỗ, chậm tiến độ thuộc Bộ Công Thương .

Dự án nhà máy thép Việt – Trung (VTM) với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng là 1 trong số 13 dự án nghìn tỷ thua lỗ, chậm tiến độ thuộc Bộ Công Thương. Ảnh: Internet

Dự án nhà máy thép Việt – Trung (VTM) với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng là 1 trong số 13 dự án nghìn tỷ thua lỗ, chậm tiến độ thuộc Bộ Công Thương. Ảnh: Internet

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án nhà máy thép Việt – Trung (VTM) với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng là 1 trong số 13 dự án nghìn tỷ thua lỗ, chậm tiến độ thuộc Bộ Công Thương.

Sau khi đi vào hoạt động tháng 12/2014 VTM đã lỗ 91 tỷ đồng, tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài trong 2 năm tiếp theo khiến khoản lỗ luỹ kế đến hết năm 2016 lên đến 1.077 tỷ đồng.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án nhà máy thép Việt – Trung (VTM) được phép lỗ kế hoạch 555 tỷ đồng trong 2 năm đầu đi vào hoạt động tuy nhiên đến cuối năm 2016 tổng lỗ luỹ kế đã là 1.096 tỷ đồng. Theo báo cáo, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ là do giá bán sản phẩm phôi thép trên thị trường trong nước và thế giới giảm mạnh.

Tại thời điểm lập và phê duyệt dự án, giá nhập phôi thép về Việt Nam bình quân là 12,34 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, thực tế giá phôi thép VTM bán ra bình quân trong năm 2015 là 7,9 triệu đồng/tấn, năm 2016 là 7,685 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, nhiều nguyên nhân như vay lãi cao, giai đoạn đầu tư bị kéo dài, công tác giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí...

Dự án cũng thua lỗ do lãi vay trong thời gian đầu tư cao, có thời điểm lãi suất 20,5% so với tính toán trong dự án đầu tư là 10,5%. Tỷ giá USD liên tục tăng trong thời gian thi công gói thầu EPC cũng làm tăng chi phí đầu tư. Mặt khác, cơ cấu đầu tư dự án chủ yếu sử dụng vốn vay thương mại dẫn đến chi phí tài chính của VTM rất cao, chi phí tài chính chiếm tới 11% giá thành.

Bên cạnh đó, do giai đoạn chuẩn bị đầu tư kéo dài nên khi thực hiện dự án trùng vào thời điểm trong nước và khu vực chịu ảnh hưởng của “bão giá”, giá nguyên vật liệu tăng đột biến, trong khi giá nhân công tại địa phương liên tiếp điều chỉnh dẫn đến tăng chi phí xây dựng.

VTM phải thêm chi phí, mất thời gian để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xây khu tái định cư với chi phí 410 tỷ đồng.

Ông Bùi Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) khi chia sẻ với báo chí cũng thừa nhận, việc đặt một nhà máy liên hợp thép trên miền núi đã là một bất lợi lớn. Cụ thể, là những hạn chế về hạ tầng giao thông, nguyên liệu, kinh phí vận chuyển... khó khăn, làm tăng giá thành sản xuất, đồng thời dẫn đến việc cung cấp chưa kịp thời cho nhu cầu sản xuất của nhà máy.

Ông Bình còn chỉ thêm một bất lợi nữa từ cơ chế liên doanh. theo quy định, với những khoản đầu tư nội bộ có giá trị lớn hơn 100.000 USD đều phải theo cơ chế đồng thuận thay vì cơ chế tỷ lệ cổ đông.

Với việc quy định như vậy, nên dù đóng góp nhiều vốn hơn (Việt Nam 55%, Trung Quốc 45%), số thành viên HĐQT nhiều hơn (Việt Nam 4, Trung Quốc 3) nhưng phía Việt Nam không được toàn quyền tự quyết hoạt động của công ty mà phụ thuộc vào việc cổ đông phía Trung Quốc đồng ý hay không.

Theo nhận định của giới chuyên gia, thực hiện theo cơ chế thỏa thuận là Tổng công ty Thép Việt Nam tự gây bất lợi cho chính mình. Bởi cơ chế đồng thuận tại dự án này khiến phía Việt Nam hoàn toàn mất quyền chủ động trong việc vận hành dù góp vốn nhiều hơn, chi phối về nguyên liệu đầu vào. Giả sử phía Việt Nam muốn đầu tư thêm một hạng mục nào đó để nâng cao hiệu quả dự án mà phía cổ đông Trung Quốc không đồng tình thì cũng chịu.

Nguyễn Việt