Mập mờ chuyển nhượng vốn cho người Trung Quốc
Tại TP. Nha Trang đang có tình trạng người Việt Nam đứng ra thành lập doanh nghiệp (DN), sau đó bán cổ phần cho người Trung Quốc. Đây được coi là hình thức lách luật để người Trung Quốc sở hữu DN và nghiễm nhiên trở thành lao động mà không cần giấy phép tại thành phố.
Bán cổ phần sau 1 ngày góp vốn
Theo tìm hiểu của phóng viên, đầu tháng 11/2017, Cục Thuế tỉnh nhận hồ sơ chuyển nhượng vốn góp của ông Đỗ Trường Hải. Ông Hải là thành viên góp vốn trong Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và du lịch Đại Thành Phát (gọi tắt là Công ty Đại Thành Phát) có địa chỉ tại thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang.
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho biết, qua kiểm tra hồ sơ chuyển nhượng vốn của ông Đỗ Trường Hải, cơ quan thuế phát hiện nhiều điều bất thường. Công ty Đại Thành Phát được Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cấp giấy chứng nhận đăng ký DN ngày 10-10-2017, vốn điều lệ 88 tỷ đồng. Công ty có hai thành viên góp vốn, gồm: bà Nguyễn Thị Thùy Trang, 23 tuổi, trú thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung, vốn góp 44,88 tỷ đồng; ông Đỗ Trường Hải, 51 tuổi, trú tại đường Phan Đình Giót, phường Phương Sài, vốn góp 43,12 tỷ đồng. Ngày 14-10-2017, ông Đỗ Trường Hải góp vốn kinh doanh với số tiền 43,12 tỷ đồng với phiếu thu bằng tiền mặt. Nghi ngờ việc thành lập DN với số vốn góp rất lớn, Cục Thuế đã tiến hành xác minh và được biết, bà Trang chỉ là lao động tự do, còn ông Hải buôn bán hải sản.
Ngày 15-10-2017, tức chỉ sau 1 ngày góp vốn, ông Hải đã lập hợp đồng chuyển nhượng vốn góp cho một số người mang quốc tịch Trung Quốc dưới hình thức thanh toán bằng tiền mặt theo hợp đồng đã ký. Các đối tượng ông Hải ký hợp đồng chuyển nhượng vốn gồm: Wang Xingjun, 53 tuổi số tiền chuyển nhượng là 2,05 tỷ đồng; Zhou Tianfu, 41 tuổi, số tiền chuyển nhượng là 2,15 tỷ đồng; Lan Lu, 50 tuổi: 2,075 tỷ đồng; Wu Lei, 38 tuổi: 2,2 tỷ đồng; Zhangm Chao, 36 tuổi: 11,5 tỷ đồng. Cả 5 người Trung Quốc này đều trú tại thôn Võ Cang.
Đến ngày 27-10-2017, Công ty Đại Thành Phát được Sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký DN Công ty TNHH hai thành viên trở lên, lúc này, thành viên góp vốn là 7 người. Ông Lương Văn Ngà, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng, thanh toán mọi hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp và nhận cổ tức của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn của nhà đầu tư đó mở tại ngân hàng ở Việt Nam, trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản. Như vậy, việc chuyển nhượng vốn góp giữa ông Hải và các cá nhân người Trung Quốc chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, nên Cục Thuế tỉnh không xác nhận việc chuyển nhượng vốn góp này. Ngày 23-11-2017, Cục Thuế đã mời lãnh đạo DN đến làm việc để làm rõ nội dung chuyển nhượng vốn nhưng không ai đến. Ngày 30-11-2017, ông Hải có đơn xin rút lại hồ sơ chuyển nhượng góp vốn.
Bà Trần Thị Thanh Hải, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH-ĐT cho biết, Công ty Đại Thành Phát đăng ký ngành nghề kinh doanh là ăn uống nhà hàng. Sau khi bị “đánh động”, đầu năm 2018, Công ty Đại Thành Phát đã làm hồ sơ xin giải thể DN.
Quản lý còn sơ hở
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã tiến hành rà soát việc chuyển nhượng vốn góp cho người nước ngoài trên địa bàn. Qua rà soát, từ thời điểm ngày 1-7-2015 đến 27-12-2017 có 227 DN vốn đầu tư nước ngoài có thay đổi cổ đông, thành viên do chuyển nhượng cổ phần (người Việt Nam đứng tên thành lập DN sau đó chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài). Đến nay, ngoài một số DN tạm dừng hoạt động, giải thể vẫn còn 173 DN đang hoạt động. Tuy nhiên, Sở KH-ĐT vẫn chưa thống kê được có bao nhiêu DN chuyển nhượng vốn cho người Trung Quốc.
Trong văn bản báo cáo UBND tỉnh mới đây, Sở KH-ĐT thừa nhận còn nhiều khó khăn trong công tác hậu kiểm đối với DN vốn đầu tư nước ngoài có thay đổi cổ đông do chuyển nhượng cổ phần, nhất là việc xác định rõ DN đã hoàn tất việc chuyển nhượng hay chưa. Sở KH-ĐT kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các DN chuyển nhượng cổ phần phải thực hiện thanh toán thông qua tài khoản của nhà đầu tư đó mở tại ngân hàng Việt Nam; đồng thời yêu cầu DN nộp giấy tờ chứng minh đã hoàn tất việc chuyển nhượng (xác nhận của ngân hàng). Sở KH-ĐT cũng thừa nhận, qua rà soát phát hiện nhiều DN được thành lập với vốn đăng ký kinh doanh rất thấp, do người Việt Nam đứng tên, sau 1 hoặc 2 ngày đã chuyển nhượng vốn cho người Trung Quốc. Theo quy định, khi đã là thành viên góp vốn của một công ty ở Việt Nam thì đương nhiên được làm việc tại đây mà không cần visa hay giấy phép lao động.
Một cán bộ Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh cho biết, hiện nay, một số người Trung Quốc hoạt động kinh doanh trên địa bàn TP. Nha Trang rất lộn xộn. Họ qua bằng hộ chiếu du lịch rồi ở lại kinh doanh, kể cả những nghề như: bán bánh mì, bán hải sản nướng… Qua nhiều lần kiểm tra, Công an tỉnh phân loại có 2 dạng phổ biến là: mượn người Việt Nam thành lập DN kinh doanh; thuê người Việt Nam thành lập DN xong rồi chuyển nhượng vốn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý nhà nước về vấn đề này còn lỏng lẻo, sơ hở.
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, các cơ quan nhà nước ở tỉnh tuy biết tình trạng này nhưng chưa có giải pháp khống chế. Trước mắt, UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT rà soát thủ tục hành chính thành lập DN, chuyển nhượng cổ phần xem có thủ tục nào chưa phù hợp, để cho người nước ngoài và DN chuyển nhượng cổ phần thì làm văn bản kiến nghị Bộ KH-ĐT sửa đổi, điều chỉnh. Đối với 173 DN chuyển nhượng vốn cho người nước ngoài cần rà soát kỹ, phân loại xem chuyển cho những người có quốc tịch nào, đang hoạt động ra sao để có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh có hướng xử lý.