"Tấm lá chắn" từ chế tài phạt vi phạm hợp đồng

Lưu Ngọc Quang, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam 17/02/2018 13:06

Chế tài trong thương mại nói chung và chế tài phạt vi phạm nói riêng là những "tấm lá chắn" đắc lực để bảo vệ các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chế tài phạt vi phạm đã được quy định trong các văn bản pháp luật như Luật Thương mại năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015...

Với những ưu điểm nổi bật, phạt vi phạm đã trở thành một "tấm lá chắn" vững chắc để bảo vệ các bên trong quan hệ kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, nếu không nắm chắc những điều kiện áp dụng của chế tài phạt vi phạm để vận dụng hiệu quả trên thực tiễn, "tấm lá chắn" có thể không phát huy được tác dụng mà ngược lại còn gây nguy hại cho bên đòi phạt.

Cơ sở pháp lý đã có

Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 quy định: Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.

Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015, phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

Từ các cơ sở pháp lý trên, có thể nhận thấy các điều kiện áp dụng của chế tài phạt vi phạm gồm:

Thứ nhất, chế tài phạt vi phạm phải được thể hiện trong hợp đồng giữa các bên. Theo đó, một bên không thể đơn phương áp dụng chế tài này nếu hợp đồng giữa các bên không tồn tại điều khoản phạt vi phạm.

Thứ hai, hành vi vi phạm nghĩa vụ đã xảy ra và không thuộc các trường hợp được miễn trừ. Vi phạm nghĩa vụ, hay hiểu rộng hơn là vi phạm hợp đồng, là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Do đó, bất kỳ bên nào vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền phạt vi phạm theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.

Tuy nhiên, có một số trường hợp hành vi vi phạm nghĩa vụ đã xảy ra nhưng bên vi phạm không phải trả tiền phạt vi phạm. Đó là các trường hợp miễn trừ, bao gồm: (i) xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; (ii) xảy ra sự kiện bất khả kháng; (iii) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; (iv) hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Thứ ba, mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá hạn mức theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, về vấn đề này, Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định khác nhau. Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 giới hạn mức phạt vi phạm cao nhất là 8% nghĩa vụ bị vi phạm, trong khi đó Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 không giới hạn mức phạt vi phạm mà hoàn toàn trao cho các bên quyền thỏa thuận. Việc áp dụng văn bản pháp luật nào để giải quyết tranh chấp sẽ phụ thuộc vào bản chất giao dịch giữa các bên. Về nguyên tắc, nếu giao dịch giữa các Bên cùng là doanh nghiệp thì Luật Thương mại năm 2005 sẽ được ưu tiên áp dụng.

Ngoài các trường hợp nêu trên, có một trường hợp ngoại lệ về mức phạt vi phạm được quy định khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014 như sau: "2. Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm".

Thực tiễn giải quyết tranh chấp cho thấy có rất nhiều trường hợp các bên vận dụng không đúng chế tài phạt vi phạm, dẫn đến việc không bảo vệ được quyền và lơi ích hợp pháp của mình.

Doanh nghiệp vận dụng thế nào?

Một trong những sai lầm phổ biến của các bên đó là đơn phương áp dụng biện pháp phạt vi phạm dù hợp đồng không có quy định. Điều này xuất phát từ nhận thức hạn chế của các bên rằng bên nào vi phạm hợp đồng thì bên đó hiển nhiên phải chịu phạt mà không nhất thiết phải có quy định trong hợp đồng. Hậu quả là yêu cầu áp dụng chế tài phạt vi phạm sẽ bị bác bỏ bởi Tòa án hoặc Trọng tài. Do vậy, các bên cần chủ động đàm phán và đưa điều khoản áp dụng chế tài phạt vi phạm vào hợp đồng, từ đó tạo ra cơ sở áp dụng trên thực tiễn.

Hậu quả khi áp dụng sai các quy định của pháp luật là yêu cầu áp dụng chế tài phạt vi phạm sẽ bị bác bỏ bởi Tòa án hoặc Trọng tài. Do vậy, các bên cần chủ động đàm phán và đưa điều khoản áp dụng chế tài phạt vi phạm vào hợp đồng, từ đó tạo ra cơ sở áp dụng trên thực tiễn.

Một sai lầm khác thường xảy ra là trường hợp các bên là doanh nghiệp thỏa thuận mức phạt vi phạm nhiều hơn hạn mức cho phép theo quy định của pháp luật. Thông thường, hợp đồng giữa các bên quy định rằng mức phạt vi phạm là 10%, 20%... giá trị nghĩa vụ bị phạm. Sở dĩ có thể khẳng định rằng những thỏa thuận trên đây đã vi phạm quy định về mức phạt vi phạm là bởi luật áp dụng giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp là Luật Thương mại năm 2005, theo đó, mức phạt vi phạm tối đa sẽ là 8% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm. Mọi thỏa thuận về mức phạt vi phạm lớn hơn 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm mà không thuộc trường hợp ngoại lệ quy định tại khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng đều được coi là vi phạm pháp luật.

Dưới góc độ giải quyết tranh chấp, đối với các hợp đồng có nội dung vi phạm hạn mức như trên, Tòa án hoặc Trọng tài sẽ không bác bỏ toàn bộ yêu cầu áp dụng chế tài phạt vi phạm mà sẽ chỉ chấp nhận tối đa 8% trị giá nghĩa vụ bị vi phạm.

Ngoài ra, việc xác định mức phạt vi phạm lớn hơn so với quy định sẽ dẫn tới việc phải nộp án phí hoặc phí trọng tài nhiều hơn so với mức cần thiết. Do đó, để tránh việc phát sinh các chi phí tố tụng, các bên cần nhận thức rõ quy định này và điều chỉnh hợp đồng phù hợp.

Như vậy, chế tài trong thương mại nói chung và chế tài phạt vi phạm nói riêng là những biện pháp nâng cao trách nhiệm pháp lý, tăng tính ràng buộc và ý thức thực hiện hợp đồng giữa các bên, là những "tấm lá chắn" đắc lực để bảo vệ các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Nếu các bên nhận thức đúng và lựa chọn một "tấm lá chắn" với các đặc điểm phù hợp thì đây sẽ một công cụ không thể thiếu đối với bất kỳ chủ thể nào trong quan hệ hợp đồng. Ngược lại, nhận thức sai lầm dẫn tới lựa chọn một "tấm lá chắn ngược" thì toàn bộ rủi ro và hậu quả bất lợi sẽ do chính bên có quyền phải gánh chịu, dù rằng quyền và lợi ích của họ là hoàn toàn chính đáng.

Lưu Ngọc Quang, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam