Điểm mặt 13 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương (kỳ 13): Sau “Kali” là dự án nào?

Nguyễn Việt 23/02/2018 18:04

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo xung quanh việc tạm dừng dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào do vướng nhiều quy định khác nhau.

dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào có quy mô lớn, với tổng mức đầu tư 522 triệu USD (hơn 10 nghìn tỷ đồng). Ảnh; Internet

Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào có quy mô lớn, với tổng mức đầu tư 522 triệu USD (hơn 10 nghìn tỷ đồng). Ảnh; Internet

Trên trang web của mình, Vinachem cho biết đây là một dự án có quy mô lớn, với tổng mức đầu tư 522 triệu USD (hơn 10 nghìn tỷ đồng) và có tầm quan trọng đặc biệt đối với chiến lược phát triển của tập đoàn, được khởi công từ tháng 9/2015.

Chia sẻ về dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào, TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, tôi biết đến dự án này từ cách đây 10 năm. Đáng lẽ đến giờ dự án đã sắp phải đi vào hoạt động, có những sản phẩm đầu tiên mới đúng.

Tuy tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng nhưng mới chỉ đầu tư được hơn 1000 tỷ đồng, do trong quá trình thực hiện bị thiếu vốn phải cầu cứu Chính phủ. Để xảy ra thực trạng này, có lẽ khi ký quyết định triển khai, chủ đầu tư chưa tính hết các sự thay đổi, biến đổi của tổng mức đầu tư.

GS.TS Đặng Đình Đào - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội nhận định, chúng ta đã có 12 dự án đắp chiếu giờ lại có thêm dự án khác thì phải xem lại, mổ xẻ làm rõ, đó là trách nhiệm của ai. Theo tôi, đó chính là sự yếu kém trong tính toán, không có tầm nhìn của nhà đầu tư, người phê duyệt dự án.

Ở Việt Nam hay có chuyện, các Tập đoàn khi thuyết trình dự án để được phê duyệt thường đưa ra các viễn cảnh rất tuyệt vời, dự án trên có lẽ cũng giống như dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ. Nếu như xơ sợi Đình Vũ đưa ra viễn cảnh sau này không những đủ để cung cấp xơ sợi cho cả nước, còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, thì dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng khi cung cấp phân bón Kali cho Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu 100%.

Để thấy, khi chuẩn bị phê duyệt đầu tư dự án nào cũng rất sáng láng, triển vọng, thuyết phục dư luận, cơ quan quản lý, nhưng cứ được quyết định đầu tư, rồi vài năm đầu tư một khoản tiền nhất định thì dừng lại với rất nhiều lý do.

“Thực ra đây là sự thiếu trách nhiệm từ phía nhà đầu tư, từ câu chuyện này cần xem lại cách đầu tư của nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Có lẽ không chỉ có 13 dự án của ngành công thương mà còn rất nhiều dự án khác đang đứng trước nguy cơ bị đắp chiếu, chỉ là chưa tuyên bố, một bức tranh kinh tế quá đáng buồn", ông Đào phân tích.

Theo ông Đào, phải có người chịu trách nhiệm về khoản tiền đã đầu tư không hiệu quả. Cùng với việc chỉ cần chi tiền nhập khẩu phân bón, chúng ta đồng thời chịu gánh nặng thêm khoản tiền làm dự án để đắp chiếu. Rõ ràng cần phân tích chi tiết, mổ xẻ xem nguồn tiền đã đầu tư vào bao nhiêu, mua sắm những gì hay toàn những thứ không sử dụng được.

Ở góc độ khác, theo TS Lưu Bích Hồ, không đồng tình với quan điểm trong khi phải nhập khẩu phân bón mà phải làm cho bằng được dự án sản xuất phân Kali tại Lào. Đơn giản vì không đủ cung trong nước thì phải nhập khẩu là đương nhiên Không thể vì thế phải vẽ ra bằng được một dự án, mà biết trước khó khả thi.

Biết bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước đang phải xử lý, cải cách vì làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, cho nên với các dự án đã có trục trặc thì nên xử lý dứt điểm, loại bỏ tâm lý đâm lao phải theo lao, để chịu thua lỗ.

Nguyễn Việt