Kéo dài thời gian thí điểm taxi công nghệ Uber, Grab
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học và công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015 cho đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực thi hành.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan: Công an, Tư pháp, Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đánh giá đầy đủ các ưu điểm, hạn chế trong thời gian thí điểm, làm cơ sở cho việc bổ sung các quy định để quản lý hoạt động thí điểm, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và tạo sự bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015.
Đồng thời, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1012/VPCP-CN ngày 26/1/2018, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2018.
Được biết, việc triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý từ năm 2015 (công văn1850/TTg-KTN) và bắt đầu thực hiện thí điểm từ đầu năm 2016.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tất cả các đơn vị có đề án cụ thể phù hợp với tính chất, phương thức vận hành của từng ứng dụng, phù hợp các cam kết, thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị có liên quan và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật đều được tham gia thí điểm.
Tính đến thời điểm tháng 5/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp nhận đề xuất và đồng thuận cho phép 9 đơn vị gồm: Công ty TNHH GrabTaxi (Grab), Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty cổ phần Sun Taxi (S.CAR), Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (LB.Car) để triển khai các Đề án thí điểm theo quy định tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT.
Theo nhận định của Bộ Giao thông Vận tải, kết quả thực hiện thí điểm ban đầu đã cho thấy hiệu quả của việc ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ công tác điều hành, hỗ trợ hoạt động vận tải đã được người dân đánh giá cao, ngày càng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tại Việt Nam hiện nay, 2 loại hình vận tải hành khách có ứng dụng khoa học và công nghệ trong hỗ trợ kết nối đang hoạt động mạnh nhất là Grab và Uber. Cả hai loại hình này đang nhận được sự ủng hộ từ phía người sử dụng, khách hàng nhờ chi phí hợp lý so với loại hình vận tải taxi truyền thống.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vận tải taxi truyền thống đang kịch liệt phản đối sự hoạt động của hai loại hình nói trên vì cho rằng, đây là phương thức vận tải vi phạm nhiều quy định, gây sự phá giá thị trường và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động, doanh số của các hãng.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, trong Nghị định 86 sửa đổi cần thể hiện rõ chủ thể kinh doanh, chủ thể cung cấp công nghệ, càng rõ bao nhiêu, càng thực hiện dễ bấy nhiêu. Thậm chí, có thể yêu cầu có doanh nghiệp, có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, không để hợp đồng xuyên biên giới, phải có quy định rõ ràng.