Hướng dẫn Luật Dược khiến doanh nghiệp FDI... ngại đầu tư
Đối với các doanh nghiệp FDI thì Nghị định buộc các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ bảo quản thuốc chuyên nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động hoặc “thay đổi mô hình kinh doanh”, gây tổn thất cho dự án đầu tư.
“Nghị định 54 có hiệu lực được 7 tháng nhưng trong quá trình thực thi đã bộc lộ rất nhiều điểm hạn chế, không tương thích với Luật dược”- Đó là nhận xét của Luật sư Lê Nết, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam về Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược. Nghị định có hiệu lực từ tháng 7/2017.
- Nghị định 54/2017/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống được 7 tháng nhưng như ông chia sẻ dường như nghị định "không tương thích" với chính văn bản được hướng dẫn - Luật dược?
Khi ra đời, Nghị định 54 đã tạo nên một hành lang cho các công ty dược nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam đặc biệt là nhập khẩu thuốc cũng như là hoạt động của các văn phòng đại diện công ty dược.
Điểm tích cực của Nghị định là cho phép các doanh nghiệp có vốn nước ngoài được thành lập công ty nhập khẩu dược. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Nghị định này bộc lộ nhiều điểm hạn chế.
Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược. Việc thi hành Nghị định này sẽ buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ, gây tổn thất hàng trăm triệu USD và làm gián đoạn việc cung cấp hàng ngàn loại thuốc cần thiết.
Ví dụ như tại Điều 32, Luật Dược quy định các cơ sở kinh doanh thuốc bao gồm sản xuất, xuất nhập khẩu, kiểm nghiệm, bán buôn, bán lẻ và thử nghiệm thuốc lâm sàng. Điều luật này cho thấy hoạt động phân phối chỉ có thể được kê vào hoạt động bán buôn, bán lẻ nhưng lại không thể xếp vào kiểm nghiệm và bảo quản thuốc.
Nhưng tại Khoản 10, Điều 91 Nghị định 54 quy định các cơ sở không thực hiện phân phối thuốc thì không được thực hiện những hoạt động liên quan trực tiếp việc đến đến phân phối thuốc như: vận chuyển, bảo quản thuốc. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được phân phối nhưng lại không được vận chuyển và bảo quản thuốc. Thế ai vận chuyển thuốc cho các doanh nghiệp? Vậy doanh nghiệp đang vận chuyển thuốc cho doanh nghiệp thì có được tiếp tục phân phối và vận chuyển thuốc hay không, không vận chuyển cũng không bảo quản thì làm thế nào?
Những quy định như vậy, vô tình tạo nên những hệ quả về mặt pháp lý cũng như tạo hệ quả đối với sức khỏe người dân.
- Cụ thể, đó là những hệ quả nào, thưa ông?
Về mặt pháp lý, đối với doanh nghiệp nhập khẩu thuốc sẽ phải đầu tư xây dựng hệ thống kho bảo quản mới, và đầu tư nhân lực để tự vận hành hệ thống kho bảo quản đó.
Đối với các doanh nghiệp FDI thì Nghị định buộc các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ bảo quản thuốc chuyên nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động hoặc “thay đổi mô hình kinh doanh”, gây tổn thất cho dự án đầu tư.
Việc thực thi Nghị định khiến phát sinh lãng phí và thiếu hiệu quả do không đạt quy mô tối thiểu để hoạt động kinh tế.
Về mặt sức khỏe với người dân thì việc tuân thủ quy định này khiến chi phí trên mỗi đơn giá thuốc sẽ tăng, giá thuốc sẽ tăng làm giảm khả năng chi trả cho các sản phẩm thuốc của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Chất lượng thuốc có thể không được đảm bảo do việc bảo quản thuốc sẽ không phải do các đơn vị chuyên nghiệp đảm nhận mà do các doanh nghiệp nhập khẩu tự thực hiện.
- Ông có kiến nghị như thế nào hạn chế những bất cập trên?
Đầu tiên, chúng ta nên quán triệt việc thực hiện Luật Dược và tiếp tục cho phép các doanh nghiệp FDI cung cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc.
Đặc biệt là không nên có những quy định mang tính chất hồi tố hoặc trái với những cam kết mà nhà nước Việt Nam đã cấp cho các nhà đầu tư mà họ tin tưởng nên đã vào đầu tư từ trước, đồng thời, giúp các doanh nghiệp FDI có thể dễ dàng tiếp cận với thị trường dược Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!