Hòa giải thương mại cần “hành lang” mới

Lê Mỹ 11/03/2018 21:49

Mặc dù, chưa đầy một năm có hiệu lực, Nghị định 22/2017 hướng dẫn Bộ Luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015 đã được các chuyên gia và chính các thành viên soạn thảo đề nghị sửa đổi cho phù hợp thực tiễn.

Các chuyên gia quốc tế ngỡ ngàng

Ông Nguyễn Mạnh Dũng - nguyên thành viên Tổ biên tập, Ban soạn thảo Nghị định số 22 về Hòa giải thương mại cho biết, một số các điều kiện cả khách quan lẫn chủ quan đã khiến Nghị định 22 có những thay đổi so với kỳ vọng đầu. Chẳng hạn, ban đầu, Ban soạn thảo chỉ kỳ vọng đặt mục tiêu giới thiệu hoạt động hòa giải thương mại ở Việt Nam, không “dám” hy vọng sẽ được công nhận kết quả hòa giải trong Luật. Mặt khác, Ban soạn thảo cố gắng tiếp thu Luật mẫu quốc tế để hội nhập về pháp luật nên đã tiếp xúc Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên do Việt Nam chưa là thành viên nên chưa thể có những yêu cầu hỗ trợ, góp ý chính thức.

br class=

Hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hoà giải thương mại” do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Tổ chức IFC - Thành viên Nhóm Ngân hàng thế giới tổ chức. Ảnh:M.P

Cùng với đó, Việt Nam tuy có kinh nghiệm về hòa giải cơ sở, hòa giải cộng đồng, nhưng kinh nghiệm này không tương thích với Luật Thương mại Quốc tế. “Các chuyên gia quốc tế khi tiếp xúc “hoàn toàn ngỡ ngàng” trước kinh nghiệm hòa giải cơ sở của Việt Nam. Khi các chuyên gia quốc tế thắc mắc về trách nhiệm của hòa giải viên, thời hiệu của hoạt động hòa giải, quy định giá trị chứng cứ… với những hạn chế và khoảng cách nhất định so với thông lệ quốc tế, thì Nghị định hòa giải thương mại là văn bản dưới Luật nên không thể sửa đổi các quy định trong Luật”, ông Dũng nói.

Theo phân tích của ông Dũng, Nghị định 22 có một số giới hạn về hòa giải thương mai. Đáng chú ý, quy định không áp dụng cho hòa giải cơ sở, hòa giải tranh chấp lao động dân sự, chỉ dành cho hòa giải thương mại, trong khi BLTTDS công nhận hòa giải thành ở tất cả các hoạt động hòa giải. Từ giới hạn này, các hòa giải biên hy vọng khi áp dụng hòa giải thương mại thành công, “khái niệm” hòa giải và phạm vi giới hạn sẽ được mở rộng. Ngoài ra, quy định về hòa giải viên gắn vụ việc phải đăng ký với Sở tư pháp nơi cư trú, cũng đồng nghĩa khiến các hòa giải viên quốc tế không được tham gia.

Sẽ khó có chuyện hòa giải viên quốc tế đang cư trú ở Nhật Bản hay Singapore, có thể tham gia hỗ trợ hòa giải thương mại cho các bên yêu cầu tại Việt Nam”, ông Dũng nói. Là một chuyên gia cao cấp về hòa giải quốc tế của Trung tâm Hòa giải liên kết giữa Trung Quốc và Hồng Kong, và Hòa giải viên của Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật bản Kyoto nên ông Dũng thấy rõ khoảng cách của các quy định về hòa giải thương mại của Việt Nam so với thông lệ quốc tế. Thực tế, còn khá nhiều điểm phát sinh trong hoạt động hòa giải mà chưa được quy định cụ thể trong Nghị định 22. Ông Nguyễn Công Phú - Tòa án Nhân dân TP HCM cũng chia sẻ quan điểm rằng, nhiều quy định của Luật, còn gây “túng lúng” cho các hòa giải viên và thẩm phán Tòa án, khi áp dụng và rất cần được sửa đổi, bổ sung.

Sẽ có Hiệp hội hòa giải viên Việt Nam?

Cả nước hiện có khoảng 22 trung tâm trọng tài đang hoạt động. Với việc định danh mô hình hòa giải thương mại ở Việt Nam, hoạt động hòa giải thương mại đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh.

Để không lãng phí nhân lực, công sức của các trung tâm trọng tại, Nghị định 22 có điều khoản quy định trung tâm trọng tài có thể kết hợp cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại. Tuy nhiên, với quy định các sáng lập viên trung tâm hòa giải là các công dân Việt Nam, thì một lần nữa lại là rào cản, khiến các Hiệp hội, trung tâm trọng tài thương mại muốn thành lập trung tâm hòa giải, sẽ phải lấy tư cách thể nhân để đăng ký pháp lý. Đồng thời,trách nhiệm của các hòa giải viên là cung cấp dịch vụ. Vậy để đảm bảo trách nhiệm hợp đồng, nghĩa vụ cơ bản của hòa giải liên quan đến bảo mật thông tin các bên tranh chấp và tuân thủ pháp luật, độc lập vô tư khách quan trung thực, Bộ Tư pháp cũng kỳ vọng sẽ có Hiệp hội hòa giải viên để đưa ra bộ quy tắc ứng xử cho các hòa giải viên trong tương lai.

Trao đổi bên lề, đại diện một doanh nghiệp cho biết, việc thành lập các Hiệp hội hòa giải viên rất cần được khuyến khích thúc đẩy sớm, để Hiệp hội này có thể có tiếng nói mang tính đại diện góp ý kịp thời vào quá trình sửa đổi bổ sung điều chỉnh các quy định pháp lý về hòa giải thương mại. Qua đó, những điểm còn mờ hoặc bị “bỏ quên” trong Luật và văn bản dưới luật sẽ được đưa vào.

Cùng với thông tin về Hiệp hội hòa giải viên tương lai, ngay tại hội thảo góp ý Nghị định 22 đã có 2 Trung tâm trọng tài thương mại hiện được bổ sung đăng ký hòa giải thương mại. Cùng với đó, một hồ sơ đăng ký thành lập trung tâm hòa giải cũng vừa được nộp lên cơ quan chức năng. Cộng đồng doanh nghiệp có thể hy vọng, những tổ chức này sẽ nhanh chóng được nhân rộng để hỗ trợ tháo gỡ các nút thắt trong tranh chấp thương mại bằng hòa giải. Đây sẽ là những giải pháp mềm, giảm áp lực và chi phí cho các bên liên quan.

Lê Mỹ