Vì sao cầu Cửa Hội “lỡ duyên” với BOT?

Ngọc Thái 16/03/2018 12:26

Bộ Giao thông - Vận tải vừa đề xuất chuyển hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công với cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam.

Được biết, công trình cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, nối thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) nằm trên tuyến đường bộ ven biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010.

p/Dự án thi công cầu Cửa Hộip/bắc qua sông Lam sẽ chuyển từ BOT sang đầu tư công, với kinh phí 950 tỉ đồng, thay vì 1.669 tỉ dự kiến trước đó.

Dự án thi công cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam sẽ chuyển từ BOT sang đầu tư công, với kinh phí 950 tỉ đồng, thay vì 1.669 tỉ dự kiến trước đó.

Lo ngại người dân không đồng thuận

Công trình này cũng đã được Bộ GTVT phối hợp với 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tiến hành tổ chức lễ khởi động từ ngày 26/6/2016.

Tiếp đó, vào tháng 8/2017, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội trên QL8B theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức nguồn vốn lên 1.669,03 tỷ đồng.
Với hình thức huy động đầu tư BOT thì nguồn vốn nước tham gia thực hiện dự án là 950 tỷ đồng, phần vốn Nhà đầu tư huy động là 719,03 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình khởi động dự án cầu Cửa Hội đến nay các Bộ, ngành vẫn chưa thể lựa chọn được nhà đầu tư BOT tiến hành đầu tư xây dựng.

Theo tìm hiểu, phương án đầu tư công đối với dự án này sẽ khả thi hơn vì nếu đầu tư theo hình thức BOT sẽ gặp khó khăn về việc bố trí trạm thu giá dịch vụ đường bộ. Bởi trên thực tế, hiện nay QL 1A qua địa bàn Nghệ An đã có trạm thu phí ở cầu Bến Thuỷ nên khi đặt thêm 1 trạm thu phí nữa sau khi cầu Cửa Hội đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Một nguyên nhân nữa là do tuyến đường ven biển Việt Nam chưa được tiến hành xây dựng qua địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nên phương án thu hồi nguồn vốn nếu đầu tư theo hình thức BOT sẽ khó khả thi.
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, nhà đầu tư là phải miễn giảm lệ phí cho người dân sinh sống vùng lân cận các trạm thu phí đường bộ nên phương án tài chính để nhà đầu tư BOT hoàn vốn rất khó.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư BOT không mặn mà khi tiến hành rót vốn xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối liền 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Chuyển từ BOT sang đầu tư công

Ông Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, mới đây Bộ GTVT đã có văn bản trình Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam từ hình thức đầu tư BOT sang đầu tư công.

Theo hình thức đầu tư công, Bộ GTVT cùng với 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng như các Bộ, ngành liên quan đã thống nhất xây dựng cầu Cửa Hội với kinh phí là 950 tỉ đồng, thay vì 1.669 tỉ dự kiến trước đó.
Ngoài ra, việc thực hiện phương án đầu tư công để xây dựng cầu Cửa Hội cũng sẽ triển khai nhanh hơn so với phương án triển khai theo hình thức BOT khoảng 1 năm do không phải thực hiện các bước lựa chọn nhà đầu tư.

Được biết, hiện nay Bộ GTVT và 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang tiến hành hoàn thiện các văn bản, thủ tục về chủ trương đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Và, sau khi được Chính phủ và các ban ngành Trung ương chấp thuận chủ trương đầu tư công, dự kiến cầu Cửa Hội sẽ tiến hành thi công vào ngày 2/9/2018 và hoàn thiện, đưa vào sử dụng vào ngày 2/9/2019.

Ngọc Thái