Chi phí logistics tăng cao vì... 14.300 tỷ đồng kiểm tra chuyên ngành

Song Nhi 21/03/2018 08:44

Một trong những nguyên nhân khiến chi phí dịch vụ logistics cao là do kiểm tra chuyên ngành, chi phí vận tải, phụ phí cảng biển, ùn tắc tại cảng và giao thông đô thị.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Duy Minh – Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tại hội nghị phát triển ngành dịch vụ logistics diễn ra tại TP HCM ngày 20/3. Ông Minh cũng cho rằng không có chuyện nước ngoài chiếm 80% ngành logistics như các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin.

"Nói đến logistics là chúng ta phải nói đến từng chuỗi vụ dịch riêng của logistics mới thấy được rõ năng lực cung cấp của các logistics Việt Nam. Hiện nay đến 90% cảng biển Việt Nam là do các doanh nghiệp trong nước khai thác, về vận tải đường bộ và khai quan thì chắc chắn thuộc về các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Ở mảng cung cấp kho, dịch vụ kho cũng vậy. Về năng lực cung cấp dịch vụ logistics thì VLA tin rằng các doanh nghiệp logistics Việt Nam đủ khả năng cung cấp bất cứ dịch vụ nào thuộc chuỗi dịch vụ logistics cho tất cả DN" – ông Minh lý giải. 

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, ngành logistics đang trên đà phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng từ 15-16%/năm và đóng góp khoảng 3% vào GDP của cả nước. Tuy nhiên, điểm yếu của ngành dịch vụ này là chi phí cao, chất lượng dịch vụ, quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, nguồn nhân lực còn hạn chế; chi phí vận tải quốc tế phụ thuộc vào các hãng vận tải nước ngoài và do các hãng này chi phối.

Trả lời câu hỏi chi phí logistics cao ở mắc xích nào, theo ông Duy Minh, thời gian thông quan hàng hóa là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí logistics. “Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành. 100.000 mặt hàng phải qua kiểm tra chuyên ngành, tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm 58%” – ông Minh nói.

Ngoài ra, yếu tố làm gia tăng chi phí logistics đó là chi phí vận tải đường bộ quá cao, gấp 5-6 lần so với chi phí vận chuyển đường thủy. Nhưng do thời gian vận chuyển đường bộ chỉ bằng 1/2 so với đường thủy nên các doanh nghiệp thường chọn vận chuyển đường bộ; phụ phí cảng biển mà chủ tàu container nước ngoài lại  thu đối với chủ hàng Việt Nam; hạn chế kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với phương tiện sau cảng…

Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu kiến nghị, chi phí logistics đối với hàng xuất khẩu tập trung ở chi phí vận tải và chi phí lưu kho, do đó việc cắt giảm 2 loại chi phí này rất quan trọng trong việc giảm chi phí cho doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ logistics.

Song Nhi