Formosa tăng vốn để làm gì?
Từ những số liệu vênh nhau đến khó hiểu của Giấy chứng nhận đầu tư dự án dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương (Formosa), Bộ KH&ĐT vừa có văn bản đề nghị Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh giải trình.
Sự khó hiểu ở đây là Giấy chứng nhận đầu tư mới của Formosa dự kiến rót thêm hơn 590 triệu USD nhưng khi tính theo VND, tổng vốn đầu tư lại giảm gần 2.500 tỷ đồng,
Formosa liên tục đề nghị tăng vốn đầu tư
Theo văn bản của Bộ KH&ĐT gửi Ban quản lý kinh tế tỉnh Hà Tĩnh thì tại hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của Formosa, nếu tính theo USD, tổng vốn đầu tư tăng khoảng 590,65 triệu USD. Nghĩa là tổng vốn đầu tư cho dự án này từ 11,03 tỷ USD sẽ phải tăng lên 11,62 tỷ USD. Điều nghịch lý là khi tính theo đồng Việt Nam, tổng vốn đầu tư dự án lại giảm từ khoảng 248.250 tỷ đồng xuống 245.790 tỷ đồng (giảm 2.460 tỷ đồng).
Được biết, không chỉ lần này Formosa xin điều chỉnh tăng thêm nguồn vốn đầu tư mà trước đó cũng vào thời điểm này năm ngoái, Formosa Hà Tĩnh cũng có văn bản đề nghị thay đổi vốn đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh từ hơn 10,6 tỉ USD lên hơn 11 tỉ USD.
Lý giải việc xin tăng vốn đầu tư dự án vào năm 2017, Formosa cho rằng, do phải đầu tư thêm đề án tối ưu hóa bảo vệ môi trường và cải thiện sản xuất theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Theo tìm hiểu thì dự án của Formosa bắt đầu được triển khai từ năm 2008 với vốn đăng ký ban đầu là 7,9 tỉ USD.
Tiếp đó, đến năm 2013, với lý do thay đổi trong kế hoạch đầu tư mà chủ yếu là do tính toán trượt giá nên dự án được chủ đầu tư phía Đài Loan, Formosa đã xin điều chỉnh lên mức gần 10 tỉ USD.
Và, đến thời điểm hiện nay, Formosa xin điều chỉnh vốn đầu tư từ 11,03 tỷ USD lên 11,62 tỷ USD cho dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại khu kinh tế Vũng Áng.
Yêu cầu làm rõ nghịch lý
Tại văn bản mà Bộ KH&ĐT gửi Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, đề nghị điều chỉnh tăng vốn của Formosa liên quan đến tăng chi phí đầu tư của các hạng mục công trình đã xây dựng và xây dựng thêm mới xưởng than hóa học.
Chính vì vậy, Bộ KH&ĐT yêu cầu Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cần có sự tham khảo ý kiến cụ thể của Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng để xác định rõ đây là hạng mục trong dây truyền công nghệ sản xuất thép hay là mục tiêu mới bổ sung của dự án?.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì đối với các dự án đầu tư liên quan đến công nghệ và vấn đề môi trường cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng trước khi chấp thuận các chủ trương liên quan.
Cụ thể, đối với dự án của Formosa cũng cần kiểm tra, đánh giá dự án trước khi cho điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án.
Lần này, với vấn đề xin điều chỉnh vốn đầu tư dự án của Formosa tăng lên khoảng 590,65 triệu USD, Bộ Kế hoạch và đầu tư yêu cầu cần giải trình rõ lý do, cơ sở của sự thay đổi vốn đầu tư theo VND và USD, xin ý kiến cơ quan tài chính tiền tệ về việc này.
Rõ ràng dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi như: liệu có gì khuất tất hay không, đặc biệt là vấn đề công nghệ xử lý môi trường của dự án có thực được nâng cấp?