Chế tài xử phạt không đủ sức răn đe vi phạm phòng cháy
Nhiều chuyên gia cho rằng, mức phạt hành chính cao nhất đối với các vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở các khu chung cư cao tầng hiện nay đang “quá nhẹ” dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư “nhờn” luật.
Thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho hay, trong 9 tháng năm 2017, cả nước xảy ra 3.089 vụ cháy, làm chết 75 người, bị thương 143 người, thiệt hại về tài sản là 1.507 tỷ đồng và 806 ha rừng. Trong đó có 22 vụ cháy lớn, gây thiệt hại 1.104,5 tỷ đồng.
Hay mới đấy nhất là vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina tại Sài Gòn khiến 13 người chết hôm 23/3. Vụ việc này một lần nữa dấy lên một hồi chuông báo động về tình trạng phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư.
Nhìn nhận thực tế này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành Phồ Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, bên cạnh một số chủ đầu tư thực hiện tốt các quy định về PCCC thì vẫn còn một số chủ thực không nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về PCCC. “Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cháy nổ ở các khu chung cư”, ông Châu nói.
Theo quan điểm của HoREA cho rằng Luật Nhà ở và Luật Xây dựng vẫn còn thiếu các vấn đề về quản lý chung cư, trong khi tranh chấp ở chung cư ngày một leo thang. Vì vậy các vấn đề cấp bách liên quan đến tính mạng của người dân phải đưa vào luật, chứ không thể để ở hình thức văn bản dưới luật được.
Ngay cả Luật PCCC vẫn chỉ chung chung chứ chưa có các quy định chi tiết. Vì vậy vấn đề tranh chấp chung cư và phòng chống cháy nổ cần phải được luật hóa, để chủ đầu tư có trách nhiệm hơn.
“Hiện nay, chủ đầu tư đang rất thiếu trách nhiệm trong việc PCCC. Nhiều nơi trang bị các hệ thống và thiết bị rẻ tiền, thiếu chất lượng. Thậm chí trang bị để đối phó với chuyện nghiệm thu bàn giao căn hộ, khi nghiệm thu thì vận hành được, đến khi có sự cố thì không", ông Châu khẳng định.
Ông cho rằng trách nhiệm của chủ đầu tư cũng cần phải được thể hiện rõ, thông qua việc kiểm tra thường xuyên, xem hệ thống PCCC có hoạt đông hay không? Thiết bị PCCC phải thay đổi vật tư thường xuyên để đảm bảo hoạt động liên tục được. Nhưng đến nay phần lớn chủ đầu tư vẫn bỏ qua chuyện này.
Chính vì vậy, ông Châu đề nghị các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm soát, giám sát nghiêm ngặt phương án PCCC tại các công trình nhà cao tầng nhằm tránh tình trạng nhà cao tầng đã có người vào ở, làm việc mà không đảm bảo được các yêu cầu về đảm bảo an toàn về PCCC.
Dưới góc độ Luật pháp, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh cho rằng chế tài đối với những vi phạm về an toàn PCCC hiện nay chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền. Mức phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe.
Ông Hùng cũng cho biết, cho đến nay, cho dù đã ban hành Luật PCCC và Pháp lệnh PCCC, nhưng lại chưa xây dựng tiêu chuẩn bắt buộc và hướng dẫn thiết kế cho các công trình nhà cao tầng về hệ thống báo cháy, hệ thống giám sát mức nước bể chữa cháy, tình trạng thiết bị chữa cháy, hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng khẩn cấp, hệ thống thoát khói tự động, điều khiển hệ thống chỉ dẫn cửa thoát hiểm, điều khiển tăng áp tự động cầu thang thoát hiểm ....
Chính vì vậy việc trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy và trợ giúp sơ tán phụ thuộc hoàn toàn vào "túi tiền hay sư hào phóng của chủ đầu tư". Đa số các công trình chung cư cao tầng hiện nay, kể cả một số cao ốc văn phòng hạng sang đang trong tình trạng bị “lách luật” hay "làm luật", điều đó dẫn đến người sử dụng hàng ngày phải đối mắt với nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.
Do đó, Luật sư Hùng đề xuất nên sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật trong công tác PCCC để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa đối với các chủ đầu tư cố tình “phớt lờ” các quy định về PCCC.