Tàu du lịch chết oan vì đội quân “ăn bám” Kỳ II: Cơ quan chức năng nói gì?

Trung Thành - Thu Duyên 05/04/2018 10:30

Theo đại diện của cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, việc tạm dừng cấp phép đối với các tàu du lịch bị đeo bám là do đề xuất từ Ban quản lý vịnh Hạ Long.

Trong đơn gửi báo DĐDN, ông Dương Văn Thuật, chủ tàu Thành Công 10 QN1769 cho rằng trong quá trình hoạt động, tàu Thành Công 10 chưa một lần để xảy ra tình trạng thuyền rong đeo bám, nguyên nhân chính của sự việc xảy ra ngày 19/3/2018 là hoàn toàn do chủ quan. Trong lúc các nhân viên trên tàu đang phục vụ bữa trưa của khách du lịch trên tàu thì bị thuyền rong cố tình cập vào mạn tàu.

p/Ảnh : Các thuyền nhỏ áp sát mạn tàu nhưng chủ tàu khó ngăn cảnp/Ảnh nhỏ: Đơn kiến nghị của các chủ tàu

Ảnh : Các thuyền nhỏ áp sát mạn tàu nhưng chủ tàu khó ngăn cản 

Không đuổi được đồng nghĩa với... “bắt tay”

Trao đổi với PV DĐDN, bà Nguyễn Huyền Anh, Phó BQL vịnh Hạ Long cho biết, mức áp dụng xử phạt đối với các tàu và thuyền trưởng được căn cứ theo quyết định 4088/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, BQL vịnh Hạ Long còn căn cứ vào cam kết của Chi Hội tàu Hạ Long và Hợp đồng với các chủ tàu. Ông Trần Văn Hồng, Chi hội phó tàu du lịch Hạ Long khẳng định: Ngoài việc ký cam kết về bình ổn giá với BQL vịnh Hạ Long thì Chi hội tàu du lịch Hạ Long không hề ký thêm cam kết nào.

Ảnh nhỏ: Đơn kiến nghị của các chủ tàu

Ảnh nhỏ: Đơn kiến nghị của các chủ tàu

Được biết, BQL vịnh Hạ Long đã ký hợp đồng về việc tàu du lịch neo đậu quay trở/cập bến, đón trả khách tham quan trên vịnh Hạ Long (gồm cả Bái Tử long) năm 2018 với các chủ tàu. Trong đó, nêu rõ: “Dừng thực hiện hợp đồng với thời gian từ 6 tháng trở lên đối với tàu hoặc đội tàu nếu xảy ra một trong các lỗi sau: Trộm cắp tài sản của khách du lịch trên tàu; Thông đồng tiếp tay cho các phương tiện chở người, phương tiện chở hàng hóa bám buộc vào phương tiện của mình khi đang hành trình, trừ trường hợp cứu nạn, cứu hộ”.

Việc ba tàu du lịch: Chí Thành 06, tàu Hoàng Phương 06 và tàu Thành Công 10 bị cơ quan cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh từ chối cấp phép 03 tháng, tất cả các chủ tàu đều cho rằng họ không hề thông đồng với đò rong. Không đuổi được đò rong, các chủ tàu nghiễm nhiên bị vạ. Nhiều chủ tàu cho rằng họ còn bị xử ép. Bởi với lỗi tương tự như vậy nhưng trước đó, 02 tàu Thanh Niên 06 và Cửu Long 09 chỉ bị dừng cấp phép 10 ngày còn tàu của họ bị dừng đến 90 ngày. Lý giải về việc có sự khác nhau trong thời gian dừng cấp phép, ông Lê Trọng Việt, Đội kiểm tra xử lý vi phạm (BQL vịnh Hạ Long) cho rằng ngoài lỗi để phương tiện khác đeo bám, hệ thống camera trên tàu không hoạt động hoặc hoạt động nhưng thuyền trưởng, thuyền viên “không xua đuổi”.

Tình ngay, lý gian

Việc áp dụng hình thức xử lý dừng cấp phép với các tàu vi phạm là chủ trương “mạnh tay” của UBND tỉnh Quảng Ninh trong việc làm “sạch” hình ảnh môi trường du lịch, đặc biệt trên vịnh Hạ Long. Chủ trương này cũng được các chủ tàu hưởng ứng. Thế nhưng, việc xua đuổi đò thuyền đeo bám tàu du lịch để chèo kéo khách mua hàng nhiều khi “bất khả kháng” với họ, bởi đội quân đeo bám này đông đảo và manh động. Ông Nguyễn Văn Tuyên, thuyền trưởng tàu Hoàng Phương than thở: “Một chuyến đi của tôi có từ 4 đến 5 đò rong đeo bám để bán hàng. Trên tàu có khách nước ngoài nên chúng tôi không dám có hành động mạnh, khiếm nhã chỉ biết chỉ tay đuổi và cho tàu chạy. Bị đuổi ra, họ đe dọa, ném gạch đá chai lọ lên tàu vào người du khách”.

Rõ ràng, việc chấn chỉnh hoạt động đeo bám, chèo kéo khách là việc của các cơ quan chức năng thì các cơ quan này lại đẩy trách nhiệm cho các chủ tàu. Không đủ thẩm quyền các chủ tàu, thuyền trưởng như con rối trước nạn đeo bám. Nhiều thuyền trưởng đã bị hành hung đến nhập viện cũng vì quyết tâm xua đuổi đò rong.

Luật sư Nguyễn Minh Long, công ty Luật Dragon: Cần xem xét cụ thể

Để có thể kết luận việc Ban Quản lý vịnh Hạ Long và Cảng vụ đường thủy nội địa ban hành Quyết định đình chỉ tàu lên đến 3 tháng và đình chỉ hoạt động của thuyền trưởng lên đến 6 tháng là phù hợp hay không phù hợp với quy định pháp luật thì cần phải có đầy đủ tài liệu, chứng cứ ghi nhận toàn bộ sự việc một cách khách quan chứ không thể dựa vào quan điểm chủ quan của bên bị vi phạm hoặc của Cơ quan quản lý mà cụ thể là Ban Quản lý vịnh Hạ Long và Cảng vụ đường thủy nội địa.

Để xác định hành vi vi phạm của chủ tàu và thuyền trưởng thì phải xác định đó là hành vi “thông đồng, tiếp tay cho các phương tiện chở người, phương tiện chở hàng hóa bám buộc vào phương tiện của mình khi đang hành trình”. Thông đồng và tiếp tay là một loạt các hành vi có kế hoạch, sự giúp sức, hỗ trợ vì thế không thể kết luận có hành vi đó nếu chỉ bằng một hình ảnh thể hiện có phương tiện bám vào tàu. Đề nghị Ban Quản lý vịnh Hạ Long cần xem xét, làm rõ hành vi vi phạm này một cách sâu sắc hơn.

Trung Thành - Thu Duyên