Cẩn trọng xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út

THY HẰNG 14/04/2018 18:39

Bởi tính đặc thù của thị trường Ả Rập Xê Út, việc xuất khẩu lao động sang thị trường này đang có nguy cơ gia tăng số lao động về nước trước thời hạn.

Tháng 4/2016, sau 5 ngày đăng ký, chị Lê Thị Dung (Thanh Hóa) được Công ty Viwaseen (Hà Nội) đưa đi giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi. Theo hợp đồng đã ký, chị Dung được hưởng lương 1.500 SAR/tháng, tương đương khoảng 9 triệu đồng tiền Việt, thời gian làm việc mỗi ngày không quá 12 giờ…

p/Nhiều lao động Việt Nam tại Ả Rập Xê Út phải làm việc từ 16- 20 giờ mỗi ngày và chỉ ăn thức ăn thừa, cũ.p/Ảnh: Người lao động cung cấp.

Nhiều lao động Việt Nam tại Ả Rập Xê Út phải làm việc từ 16- 20 giờ mỗi ngày và chỉ ăn thức ăn thừa, cũ. Ảnh: Người lao động cung cấp.

Chưa có chế độ... hậu kiểm

Tuy nhiên, thực tế chị phải làm việc từ 5 giờ sáng hôm nay đến 1-2 giờ sáng hôm sau và chỉ ăn bánh mì thừa, cũ đã được mua nhiều ngày trước đó. Không phải câu chuyện của riêng chị Dung, nhiều lao động Việt Nam tại Ả Rập Xê Út cũng cho biết phải làm việc từ 16- 20 giờ mỗi ngày. Đã vậy, còn thường xuyên bị chủ chửi bới, đánh đập và nợ lương. Thậm chí, có trường hợp lao động là người khuyết tật nặng dùng giấy tờ giả để sang lao động tại thị trường này rồi tử vong do tình trạng sức khoẻ quá yếu. Nói như bà Trần Thị Vân Hà - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), nhiều doanh nghiệp tuyển lao động không đúng đối tượng, tuyển người quá tuổi, đi nước ngoài vì nợ nần hoặc mâu thuẫn gia đình... nên không bảo đảm sức khỏe, dễ phát sinh tâm lý chán nản, đòi về nước trước hạn. Còn có những doanh nghiệp không ký hợp đồng với người lao động.

“Một số doanh nghiệp đào tạo không đầy đủ về kỹ năng, ngoại ngữ dẫn đến người lao động không thích nghi với công việc và môi trường mới, có văn hóa khác biệt. Khó khăn trong giao tiếp với chủ khiến dễ phát sinh mâu thuẫn và khi gặp vấn đề không xử lý được”, bà Hà cho biết thêm.

Hậu quả, với 6.000 lao động giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út thì số lao động về nước trước hạn gia tăng cao với những lý do sức khỏe không đáp ứng công việc, tranh chấp lao động, tập quán và điều kiện sinh hoạt không phù hợp…

Trao đổi với DĐDN, ông Ngô Xuân Liễu- Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định, để xảy ra tình trạng trên là do việc cung cấp giấy phép cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang thị trường này còn lỏng lẻo. Cơ quan quản lý không cương quyết dẫn đến cấp phép rồi đi giải quyết hậu quả.

Cần giải pháp cứng

Trong khi đó, tại Ả Rập Xê Út, Việt Nam đã thành lập Ban quản lý lao động song lực lượng quá mỏng, chỉ có 01 cán bộ. Các công ty đã có đại diện song chưa đủ và không có tư cách pháp lý, việc giải quyết các phát sinh cho lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vụ việc kéo dài. Được biết, mới đây, Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) cũng đã thành lập Ban thị trường lao động Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, để quản lý chặt việc xuất khẩu lao động sang thị trường tiềm ẩn nhiều bất ổn này, cần sự tham gia quyết liệt của các cơ quan chức năng liên quan, bởi Hiệp hội chỉ giới hạn với các đơn vị thành viên. Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước còn nhận định, pháp luật của nước này có xu hướng bảo hộ chủ, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động khá phức tạp. “Do vậy Cục Quản lý lao động ngoài nước không khuyến khích đưa lao động đi giúp việc nhà tại quốc gia này”, bà Trần Thị Vân Hà nói.

Ông Liễu cũng lưu ý, Philippines đã phải ra lệnh cấm xuất khẩu lao động sang thị trường Trung Đông. Việt Nam cần cân nhắc đưa ra lệnh cấm tương tự.

THY HẰNG