Dự án Luật thuế tài sản: Khi lòng dân không thuận
LTS: Dự án Luật thuế tài sản vừa được Bộ Tài chính lấy ý kiến đã vấp phải làn sóng phản đối trong công luận. Để rộng đường dư luận, DĐDN xin trích đăng ý kiến một số chuyên gia về vấn đề này.
Trong dự án Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Như vậy, nhà có giá trị từ 700 triệu đồng, thuế suất là 0,4% một năm (cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng). Ví dụ căn nhà có giá trị 1,7 tỉ đồng, chủ sở hữu sẽ phải nộp 4 triệu đồng một năm thuế tài sản cho phần một tỉ đồng vượt ngưỡng chịu thuế đó.
Có thể bạn quan tâm
“1001” lý do tăng thuế của Bộ Tài chính
17:06, 14/04/2018
Điều gì sẽ xảy ra nếu Luật Thuế tài sản được áp dụng?
09:36, 15/04/2018
Đề xuất đánh thuế nhà ở từ 700 triệu đồng: Đánh cả vào người có thu nhập thấp
07:00, 15/04/2018
Hàng triệu người mất thêm tiền vì thuế tài sản: Bộ Tài chính nói gì?
18:05, 14/04/2018
Lý do được Bộ này đưa ra là nhằm phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu NSNN, theo Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14.
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Đánh thuế nhà từ 700 triệu là không hợp lý
Trên thực tế thuế tài sản là chính sách thuế phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Mục tiêu của việc đánh thuế tài sản không chỉ là vấn đề ngân sách mà còn để điều tiết việc sử dụng những nguồn tài sản xã hội, tránh hành vi chiếm dụng, tránh tình trạng những tài sản hữu hạn vào tay một người nào quá nhiều để người khác không có cơ hội tiếp cận.
Trong số tài sản hữu hạn thì đất đai, nhà ở cũng thuộc nhóm này. Việc đưa ra loại thuế này tôi cho rằng là cần thiết và thực sự sẽ tác động tốt cho xã hội. Nếu không đánh thuế sẽ dẫn đến hành vi đầu cơ. Người ta cứ "găm" đất chờ giá lên để kiếm lợi, nếu giá không lên thì coi như cứ để tiền ở đó. Nhưng khi "đánh thuế" thì hành vi đầu cơ phải tính toán.
Hơn nữa, nếu so với thu nhập của người dân thì giá bất động sản của Việt Nam đứng vào hàng cao nhất thế giới, có nguyên nhân là do đầu cơ.
Tuy nhiên, cần phải xem lại mức chịu thuế. Nếu những người có diện tích nhà ở dưới mức bình quân chung đã bị đánh thuế thì ý nghĩa điều tiết không còn nữa. Nên ít nhất phải xác định được mức khởi điểm là mức trung bình xã hội, những ai sở hữu trên mức trung bình xã hội thì mới phải đánh thuế, còn dưới mức đó thì không cần thiết.
“Nếu chúng ta tính thuế ở mức 700 triệu thì phần lớn các ngôi nhà đều phải chịu thuế. Những người thu nhập thấp, người ta đang cần nhận được sự trợ giúp của xã hội, vay ưu đãi… mà đánh thuế họ thì không hợp lý”.
Việc Bộ Tài chính đề xuất mức 700 triệu cũng do cách tính hiện nay đang dựa đơn thuần trên khung giá đất nhà nước ban hành. Nhiều khi khung giá này không đúng với giá thị trường. Do đó, cần phải có cách tính giá nhà đất sao cho phù hợp với giá thị trường nhất.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc: Dự án Luật tạo cơ hội cho tình trạng trốn thuế.
Dự thảo Luật sẽ tạo “cơ hội” cho... trốn thuế. Ví dụ 2 cá nhân mua bán một căn nhà có giá 10 tỉ đồng. Để trốn thuế, người mua và người bán sẽ thỏa thuận để ra công chứng với giá thấp hơn. Tôi bán cho anh 10 tỉ đồng nhưng trong hợp đồng chỉ ghi 2 tỉ đồng thôi. Như thế, người mua bớt được thuế tài sản, còn người bán bớt được thuế thu nhập. Để trốn thuế, người mua chắc chắn sẽ không bao giờ ghi đúng giá trị căn nhà.
Nếu chỉ căn cứ vào lời khai của người mua bán thì không xác định được giá trị, nên cần phải có giải pháp để xác định giá nhà phù hợp nhất mà không chỉ phụ thuộc vào lời khai của người mua bán.
Các nước trên thế giới đều có định giá bất động sản và định giá thường xuyên. Giá bất động sản được áp theo mức định giá thường xuyên đó và nó tương đối sát với giá thị trường.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Chỉ nên thu thuế quyền sử dụng đất
Tôi cho rằng, một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên 2 nguyên tắc.
Nguyên tắc thứ nhất là đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở. Hiện tại, nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở. Nên khi nghĩ đến việc thu thuế nhà ở thì cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không.
Nguyên tắc thứ hai, việc đánh thuế phải theo lẽ công bằng. Có nghĩa những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp.
Nếu áp dụng dựa trên 2 nguyên tắc này thì đề xuất đánh thuế đối với nhà ở ngay từ căn nhà đầu tiên là không hợp lý.
Tôi đề nghị, căn nhà đầu tiên chúng ta không đánh thuế mà bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi. Bởi lẽ những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thì họ sẽ có từ căn nhà thứ hai. Từ đó chúng ta đánh thuế sẽ công bằng hơn và không ảnh hưởng đến chủ trương và chính sách của nhà nước là giúp người nghèo mua nhà.
Tôi cho rằng chúng ta chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, căn nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế.
Nếu chúng ta đánh thuế nhà ở đồng nghĩa với việc đánh thuế kép trên thu nhập của người dân. Nếu có đánh thuế thì chúng ta chỉ nên đánh thuế trên giá trị gia tăng (nếu có) của căn nhà mà thôi.