Đừng để chi phí logistics “nhấn chìm” kinh doanh

K.Lãng–H.Trang 18/04/2018 09:49

Tại hội nghị “chuyên đề” về logistics mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp?

Thủ tướng cũng khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, trị giá hàng tỷ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển.

br class=

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics (Cảng Container Trung Tâm Sài Gòn SPCT. Ảnh: S.T).

Chi phí cao, cạnh tranh thấp

Theo đánh giá của Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam tương đương với khoảng 20,9% GDP (trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%), gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển (Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%).
Vấn đề kết nối giữa các phương thức vận tải cũng là nguyên nhân khiến cho năng lực của cả hệ thống giao thông vận tải chưa được khai thác hiệu quả. Chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP HCM (không tính chi phí xếp dỡ hai đầu) vào khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.

  Hội nghị giải quyết những bất cập trong logistics là một trong 15 hội nghị chuyên đề dự kiến được tổ chức trong năm nay để giải quyết một số vấn đề trọng yếu, nhằm vào 4 nội dung lớn là nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và dịch vụ, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đặc biệt, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn.

Đối với vận tải biển nội địa trên tuyến Bắc Nam mức cước từ kho đến kho bằng 40-50% cước vận tải đường bộ nhưng lại có thời gian vận chuyển cao gấp 3 đến 5 lần, bị ảnh hưởng lớn bởi sự mất cân đối hàng hoá theo mùa và theo vùng miền. Cước vận tải biển quốc tế tại Việt Nam hiện nay còn cao do hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn phải trung chuyển qua các cảng biển nước ngoài nên phải gánh thêm nhiều khoản chi phí.
“Vì vậy, phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, việc kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics”, Thủ tướng khẳng định.

Với góc độ cơ quan quản lý nhà nước, theo Bộ GTVT, trong các phương thức vận tải hàng hoá, cơ cấu chi phí trực tiếp hiện chiếm từ 60 – 80% trong tổng chi phí vận tải. Chi phí gián tiếp chiếm từ 20% - 40%. Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Văn Công cho rằng, một trong những nguyên nhân chính gây ra sự tăng chi phí vận tải là mất cân đối giữa các loại hình vận tải do mức đầu tư cho vận tải thuỷ nội địa, sắt, hàng không, hàng hải còn quá thấp so với đường bộ. ”Phương tiện vận tải đường bộ đầu tư cao do giá xe ô tô trong nước cao, đường sắt thì đầu máy cũ, công suất thấp tiêu hao nhiên liệu, đường thuỷ cũng chưa được đầu tư trang bị công nghệ tiên tiến... cũng là yếu tố khiến chi phí logistics đội lên” ông Công chia sẻ.

Giảm thiểu điều kiện kinh doanh, chấn chỉnh sự vô trách nhiệm

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP... như lời Thủ tướng khẳng định có bốn giải pháp cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ:

Thứ nhất, đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính; thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%.

Thứ hai, Việt Nam cần đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng. Xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc.

Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bốc xếp và hệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.

Thứ tư, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng biển theo hướng tập trung phát triển lợi thế kinh tế vùng. Nâng cao chất lượng dịch vụ của đội tàu Việt Nam.

Đồng tình, bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI - lưu ý rằng sở dĩ các doanh nghiệp logistics gặp khó vì vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, can thiệp sâu vào quyền tự chủ của doanh nghiệp gây khó khăn cho hoạt động logistics. “Ví như tại điều 5 Nghị định 160/NĐ-CP yêu cầu Trong lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ đại lý tài biển, lai dắt tàu biển, yêu cầu doanh nghiệp phải có bộ phận hoạt động quản lý kinh doanh, khai thác vận tải biển, bộ phận thực hiện công tác pháp chế… những điều kiện này đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa, những điều kiện như vậy cũng không thể đáp ứng được mục tiêu quản lý nhà nước”, bà Lan Anh nói và nhấn mạnh: “nhà nước không thể ép doanh nghiệp lớn nên bằng mệnh lệnh hành chính”.

Dẫn chứng điều này, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định: “có thể chỉ ra hàng trăm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh vô lý". Nhưng theo ông, việc bãi bỏ là "không hề đơn giản".
Vì vậy, Viện trưởng CIEM đưa ra kiến nghị: “Chúng ta cần một chỉ thị, một chỉ đạo cụ thể để khắc phục tình trạng này, làm sao để trong vài tháng tới, việc tháo gỡ những khó khăn trong ngành logictics sẽ có kết quả”.
Đồng tình với quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tổ chức hội nghị thì phải có sản phẩm, kết quả cụ thể. “Bên cạnh việc nâng cao nhận thức về vấn đề mới mẻ này thì sau hội nghị sẽ có Chỉ thị về phát triển logistics”, Thủ tướng khẳng định.

K.Lãng–H.Trang