Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến đóng góp cho Dự án Luật thuế Tài sản

Hằng Hà 20/04/2018 18:26

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính khi trả lời một số cơ quan thông tấn báo chí vào chiều 20/4 về một số nội dung liên quan đến Dự án Luật thuế tài sản.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời phỏng vấn cơ quan thông tấn báo chí chiều 20/4

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định rất hoan nghênh, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến trái chiều khác nhau của các chuyên gia, nhà kinh tế, nhân dân cả nước trong quá trình hoàn thiện Dự thảo luật này để trình Chính phủ. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến dự thảo xin ý kiến của Bộ Tài chính về dự thảo Luật Thuế tài sản. 

Có thể bạn quan tâm

  • Chính phủ chưa xem xét dự luật Thuế tài sản

    16:58, 18/04/2018

  • Dự Luật thuế tài sản: Đề xuất mang tính cào bằng

    17:23, 17/04/2018

  • Luật Thuế tài sản cần được thông tin đa chiều

    11:21, 17/04/2018

  • Dự án Luật thuế tài sản: Khi lòng dân không thuận

    05:11, 16/04/2018

 Ông Dũng khẳng định: "Bộ Tài chính rất hoan nghênh và lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân cả nước tham gia góp ý vào dự thảo. Đây là một bước để Bộ tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ báo cáo với Chính phủ, nếu Chính phủ đồng ý thông qua thì sẽ báo cáo với Quốc hội để đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ này".

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, mục tiêu của đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản là để điều tiết đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ về nhà, đất, đảm bảo những người có nhà, đất phải đưa vào khai thác, sử dụng và như vậy sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người thu nhập thấp. 

Cũng theo ông Dũng, Bộ Tài chính xây dựng Luật Thuế Tài sản dự trên cơ sở các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, cùng với đó là “Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020”; Đề án của Chính phủ về huy động, khai thác nguồn lực đất đai; Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Ngoài ra, Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2016-2020, trong đó nêu rõ yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật về thuế tài sản bao gồm cả đất đai… cũng là điều kiện tiên quyết để Bộ xây dựng dự án Luật Thuế Tài sản.

Theo ông Dũng, để triển khai những chủ trương này, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo để xin ý kiến nhân dân. Khi xây dựng dự thảo Đề án Luật, mục tiêu đầu tiên được đưa ra là tăng cường quản lý về tài sản. Thứ hai, là nâng cao hiệu quả sử dụng nhà và đất. Cùng với đó là hạn chế sử dụng lãng phí tài sản, tài nguyên là đất đai và công sản. Thứ ba, là đảm bảo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản, như vậy sẽ góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa, phòng chống tham nhũng. Cuối cùng, nếu Luật được thông qua trên cơ sở nào đó sẽ mở rộng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đảm bảo cơ cấu lại nguồn thu.

"Trên tinh thần như thế, chúng tôi nghiên cứu đề xuất và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nhân dân cũng như các nhà khoa học, doanh nghiệp, các đối tượng trong xã hội để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo dự án Luật" - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Hằng Hà