"Rào cản" khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân (kỳ II)

Trúc Linh - Hoàng Hưng 27/04/2018 05:22

Xuất toán ngược và không đúng quy định, bất cập về thực thi luật… là những “rào cản” gây khó khăn cho các cơ sở y tế tư nhân trong công tác KCB – BHYT.

Một trong những vấn đề gây bức xúc cho các cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian qua, đó là việc cơ quan BHXH tại một số tỉnh từ chối thanh toán một số chi phí KCB của các sơ sở y tế không đúng các quy định của pháp luật.

Xuất toán "không cần nguyên tắc nào cả"…

Tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Y tế, Bộ tư pháp, BHXH Việt Nam và Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam ngày 12/04/2018 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đã cho rằng, việc xuất toán ngược và xuất toán không đúng của cơ quan BHXH không những gây khó khăn thiệt hại cho các cơ sở y tế mà còn trái với các quy định của pháp luật.

Theo Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tại Công văn số 431/SYT – NVY ngày 02/03/2018 hàng năm các cơ sở KCB đều lựa chọn danh mục thuốc, vật tư y tế theo kết quả đấu thầu tập chung của Sở y tế với giá mua không cao hơn giá trúng thầu nhưng dù các chi phí này đã được chấp nhận trong các kỳ quyết toán, nhưng sau đó vẫn bị từ chối tiếp.

Tại Bệnh viện đa khoa Thanh Hà, trong biên bản quyết toán chi phí KCB – BHYT quý II/2016, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã giảm trừ số tiền đã quyết toán từ năm 2013, thu hồi chênh lệch chi phí thuốc do chậm đấu thầu với số tiền là 232,138,192 đồng.

Tại Bệnh viện Tâm An, theo kết quả trúng thầu vật tư y tế tập chung, của Sở Y tế, bộ dụng cụ PPH03 có giá là 10.925.000 đồng, tại Bệnh viện TW Quân đội 108 là 10.395.000 đồng và tại Nghệ An là 12.120.000 đồng. Tuy nhiên, BHXH tỉnh Thanh Hóa chỉ chấp nhận thanh toán 10.000.000 đ/bộ từ năm 2015 đến Quý III/2017 và sau Quý III/2017 lại chỉ chấp nhận thanh toán 8.668.000đ/ bộ.

Chưa phù hợp pháp luật?

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại Công văn số 311/BC - BYT ngày 11/04/2018 gửi Văn phòng Chính phủ; “Theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu thầu thì kết quả trúng thầu là căn cứ pháp lý để thực hiện hợp đồng giữa đơn vị mời thầu và nhà trúng thầu. Do vậy cơ quan BHXH không công nhận kết quả đấu thầu cơ sở KCB mà áp giá trúng thầu cùng mặt hàng của các đơn vị khác để thanh toán cho cơ sở KCB là không phù hợp với các quy định của pháp luật về đấu thầu”.

Bộ Y tế cũng cho rằng để xác định trách nhiệm vi phạm pháp luật, cần xác định hành vi vi phạm pháp luật của các bên có liên quan. Trong trường hợp có phát sinh tranh chấp về BHYT thì giải quyết tranh chấp theo Điều 7 hợp đồng KCB – BHYT. Trong trường hợp không giải quyết được thì tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 48 của Luật BHYT.

Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan báo cáo UBND cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền của địa phương.

Điều mà dư luận cũng như các sơ sở KCB đều rất hoang mang, khi bất kỳ một sơ xuất nào cũng có thể bị BHXH “tạm dừng tùy tiện” “xuất toán ngược ” và đề nghị điều tra… tuy nhiên một loạt các dấu hiệu làm trái với các quy định pháp luật trong công tác KCB -BHYT của một số cá nhân, BHXH một số tỉnh thành, gây thiệt hại cho các cơ sở y tế, trong thời gian qua thì chưa thấy có một cơ quan nào Thanh tra, kiểm tra, làm rõ, đảm bảo sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật.

Vậy còn những “rào cản” nào vẫn đang gây khó khăn cho các cơ sở y tế, Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin.

Trúc Linh - Hoàng Hưng