Vụ trộn tạp chất nhuộm pin vào tiêu: Khó hiểu động cơ!
Tại sao lại phải chọn cách trộn pin vào cà phê, khi có những biện pháp kiếm lời cũng đấu trộn giả vào thật mà đơn giản, nhẹ nhàng, dễ trót lọt hơn?
Kiếm lời - Động cơ nhìn trên bề mặt vụ trộn lõi pin nhuộm cho hỗn hợp vỏ cà phê, đá sỏi và phân vào tiêu hoặc cà phê, là điều ai cũng có thể trực diện thấy.
Theo Chánh văn phòng tỉnh Đăk Nông thì chủ cơ sở bị bắt quả tang đã trộn tạp chất cà phê nhuộm than pin vào hồ tiêu với tỉ lệ 18,34%. Theo đó, có 1.650 kg tạp chất cà phê nhuộm than pin trong 9 tấn hồ tiêu, còn lại 1.350 kg hỗn hợp. Khi nghe tin công an phát hiện thì chủ cơ sở đã tìm cách tẩu tán.
Không bình luận về kết quả giám định ban đầu cũng như thông tin công bố, thiển nghĩ: Tại sao vị chủ cơ sở lại chọn cách đấu trộn mất công và dễ bị phát hiện vậy? Bởi:
Có thể bạn quan tâm
Thứ nhất, nếu là đấu trộn bán ra cho thương lái hoặc đại lý để tiêu thụ ra thị trường, thì với tiêu, hình dung một hỗn hợp thay thế khác sẽ đảm bảo rẻ tiền, cho phép kiếm lợi lớn mà dễ dàng trót lọt, không quá mất công sức: Hiện giá tiêu Việt Nam (tiêu xô) xuất thô ra thị trường quốc tế, bình quân khoảng 55-62 triệu đồng/tấn, tức khoảng 55.000đ-62.000đ/kg. Giá vỏ tiêu và tiêu hạt lép chất lượng thấp đang được bán trên thị trường khoảng 10triệu -15 triệu đồng/ tấn, tức khoảng 10.000-15.000đ/kg. Chỉ cần thu mua sản phẩm vỏ tiêu và tiêu lép, trộn vào, khả năng và xác suất lọt mắt thương lái, đại lý gom thu mua còn cao và dễ trót lọt hơn nhiều so cới lõi pin đập ra, nhuộm vào vỏ cafe, đá sỏi và phân. Thời gian, công sức, chi phí gom thu mua lõi pin đập, trộn… nghe ra có vẻ giá vốn cực thấp nhưng cộng lãi, không hẳn rẻ. Bản thân dân “xứ” hồ tiêu và cà phê, chắc chắn không hề xa lạ với các giá thành sản phẩm chất lượng kém , giá rẻ có thể đấu trộn dễ dàng. Trừ phi có động cơ nào khác hoặc chủ cơ sở vụ bắt quả tang pha trộn tạp chất quá mông muội khi nhìn nhận về người mua, người tiêu thụ, thị trường.
Thứ hai, tương tự với cà phê: Việc xuất thô ra thị trường thế giới hiện đã khá phổ biến với cà phê xanh. Khả năng đấu trộn vào cà phê xuất đi, như thông tin ban đầu trước khi dẫn dắt đến việc trộn vào tiêu, là trộn hỗn hợp vào cà phê để bán ra thị trường xuất khẩu - thực tế trót lọt gần như bất khả thi. Cần nhớ là việc trộn tạp chất theo như thông tin vào cà phê nhân bán cho thương lái nội địa để rang xay, cũng khó xảy ra, bởi cà phê hạt có kích cỡ hạt khá to hơn so với tạp chất. Ngay cả đó là cà phê hạt vỡ, vụn, nếu có tạp chất như thông tin, cũng có tính chất khác biệt và dễ phân biệt được bằng mắt thường.
Một giả thuyết đặt ra là liệu có sự liên quan hay thông đồng với thương lái gom mua để thực thi rang xay, thì như nhiều tín đồ cà phê phân tích, cũng là một dạng "điệp vụ bất khả thi" khi vị của pin trong cà phê đối với bất kỳ người mua pha chế nào cũng sẽ không nuốt nổi lúc thử. Ngoài ra, nếu là người mua để rang xay, pha chế bất lương nhắm mắt bỏ qua "vị pin", họ cũng còn có các lựa chọn khác khá phổ thông, rẻ tiền, đơn giản: Hoặc chọn đấu trộn theo công thức “truyền thống” với bắp và đậu nành.
Hiện giá thành của bắp và đậu nành dao động ở mức khoảng 6.000/kg - Rất rẻ cho một tỷ lệ đấu trộn với cà phê nhân xô đang được giao dịch quanh mức 37.000-45.000đ/kg. Hoặc ở một cấp độ khác, lựa chọn cũng đã xảy ra phổ biến với các nhà bán lẻ cà phê vỉa hè, take away trên xe di động… là ra chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM- “thủ phủ” của hóa chất), chỉ với một chút hóa chất có thể hô biến nước lã thành cà phê- Không phải rẻ mà là quá rẻ! Độc hại, dĩ nhiên ở tất cả các giải pháp pha tạp biến giả thành thật và đưa vào dạ dày người dùng, đều khó đo đếm hết!
Vậy, với những thông tin kết quả điều tra ban đầu về vụ pha trộn tạp chất cà phê nhuộm than pin và những điểm “thiển nghĩ” nêu trên, để các thuyết âm mưu, đồn đoán lẫn những thông tin bất lợi cho ngành hàng nông sản quan trọng của Việt Nam hay việc gây hoang mang cho người tiêu dùng trong nước, không tiếp tục kéo dài, trách nhiệm của các nhà quản lý nên chăng, là sẽ không chỉ dừng lại ở một kết quả điều tra cơ bản. Điều gì diễn ra ở đằng sau vụ việc và động cơ thực sự, có phần nhầy nhụa hoặc “quá ngây thơ” của chủ cơ sở pha trộn tạp chất - mới là điều công chúng có quyền được biết.
Cũng phải nhấn mạnh lần nữa rằng là với quy chuẩn kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) của các nhà làm nông sản cà phê và tiêu xuất khẩu, thì đá sỏi phân tro.. đều vô cùng hiếm hoi xác suất “lọt cửa” kiểm định chất lượng hàng trước khi xuất đi. Do đó, những thông tin như thế này nếu muốn “dìm chết” ngành hàng và “đạp giá” tiêu, cà phê Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế, thực tế sẽ chỉ nhất thời và với những doanh nghiệp làm ăn uy tín, họ chẳng bị tác động mấy microgram phân lượng.