Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Những vấn đề lớn cần được xem xét thấu đáo
LTS: Xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Dự kiến Dự Luật được xem xét và có thể thông qua tại Kỳ họp Quốc hội diễn ra vào cuối tháng tháng 5.
Để có thêm những góc nhìn đa chiều về dự Luật rất mới và rất quan trọng này, chúng tôi dành thời lượng đăng tải những ý kiến góp ý tâm huyết xây dựng dự Luật.
Làm rõ vấn đề kiểm soát quyền lực và lợi ích kinh tế mà đặc khu mang lại?
Sát ngày dự Luật được đưa trình để Quốc hội xem xét thông qua, có rất nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung quan trọng của dự Luật. Tổ chức chính quyền địa phương ở những đơn vị đặc biệt này thế nào để kiểm soát được quyền lực? Ưu đãi ra sao để đảm bảo công bằng, hợp lý? Ưu đãi thế nào để không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và kinh tế?… Đó là những vấn đề lớn đặt ra thu hút sự quan tâm của các ĐBQH và các chuyên gia khi góp ý vào dự Luật.
Vấn đề kiểm soát quyền lực
Trong dự luật được đưa trình, ban đầu Chính phủ đề nghị xây dựng mô hình chính quyền địa phương cho đặc khu theo hướng không tổ chức HĐND. Người thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ hoạt động hành chính, kinh tế – xã hội trên địa bàn là Trưởng đặc khu. Theo đó, Trưởng đặc khu có 116 thẩm quyền (ra quyết định của chính quyền theo quy định) trên 13 lĩnh vực như: Tài chính, ngân sách, đầu tư công, đầu tư kinh doanh, quy hoạch, xây dựng, đô thị, nhà ở và bất động sản, tài nguyên, môi trường, giao thông vận tải, công nghiệp… Dưới trưởng đặc khu có các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc.
Tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt như thế nào là vấn đề gây nhiều băn khoăn. Dự thảo Luật sau đó đưa ra ba phương án, trong đó phương án một thực hiện thiết chế Trưởng đặc khu, phương án 2 là chính quyền đặc khu gồm có HĐND, UBND tương tự như ở các đơn vị hành chính hiện nay, phương án 3 kết hợp các ưu điểm, khắc phục các nhược điểm của hai phương án trên. Theo đó, chính quyền là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng đặc khu và Ủy ban đặc khu được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Hải Dương) cho rằng, mô hình theo phương án 1 chưa thể hiện được cơ chế kiểm soát quyền lực trong điều kiện trao thẩm quyền quá lớn cho chính quyền đặc khu. “Cơ chế kiểm soát quyền lực của Trưởng đặc khu như thế nào, với tư duy mới là ưu đãi vượt trội thì chế tài, trách nhiệm cũng phải vượt trội.
Chúng ta lại đang lấy quy định pháp luật bình thường để ứng xử với người được trao quyền quá lớn, như vậy là không ổn”, ông Vân nêu quan điểm. Bên cạnh đó, theo ông Vân, với quy trình cán bộ như hiện nay khó chọn người tài đứng ở vị trí Trưởng đặc khu, chưa nói đến nguy cơ không kiểm soát được quyền lực thì “lợi ích nhóm có thể trỗi dậy”.
Ông Lê Thanh Vân cũng bày tỏ không đồng tình lập Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu như dự thảo luật vì đây không phải là thiết chế quyền lực nên không đủ năng lực giám sát. Ban này chỉ là tổ chức tham vấn, khuyến nghị thì không cần thiết để Thủ tướng thành lập mà có thể để Trưởng đặc khu thành lập trên sự chí thành tuyển người tài, như các nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải từng lập hội đồng tư vấn giúp cho mình.
Đại biểu Quốc hội Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, lại đề nghị có Hội đồng cho đặc khu. Nhưng Hội đồng này phải gồm các nhân sĩ trí thức để tư vấn chứ không phải kiểm soát đơn thuần như HĐND. Khi đó, trách nhiệm quản lý thuộc về trưởng đặc khu và văn phòng đặc khu làm nhiệm vụ tư vấn. Trưởng đặc khu phải báo cáo hàng năm để Hội đồng cho ý kiến. Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội về vấn đề điều hành 3 đặc khu này, có Hội đồng tư vấn hay không là việc của Thủ tướng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu ý kiến nhất trí phương án thiết chế chỉ có trưởng đặc khu vì đã nói đặc biệt là phải khác và đột phá về cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. “Cho anh cơ chế thoáng, nhưng không phải muốn làm gì thì làm, không tổ chức HĐND ở đặc khu nhưng có HĐND cấp tỉnh sẽ giám sát”, ông Tỵ nói.
Đồng thời, dự thảo luật quy định Trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm. Có ý kiến cho rằng, như vậy là không rõ mối quan hệ với chính quyền cấp tỉnh cũng như không có sự liên hệ trực tiếp với nhân dân địa phương. “Việc tập trung 116 thẩm quyền trên 13 lĩnh vực cho chức danh trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, nhưng không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp, tại chỗ mà thực hiện giám sát từ trên xuống sẽ không tránh khỏi hình thức, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, mất dân chủ”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu ý kiến của nhiều thành viên trong Ủy ban này khi góp ý dự Luật.
Hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu trong dự thảo Luật mới nhất đã được chỉnh lý để đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, kết luận của Trung ương Đảng. Cụ thể, chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đặc khu, thay vì mô hình không có HĐND và UBND, chỉ có trưởng đơn vị đặc khu như trước đây. Tuy nhiên, mô hình này vẫn gây băn khoăn cho không ít những chuyên gia mong mỏi một bộ máy “tinh gọn” nhất để tạo sức hút về thể chế cho đặc khu.
Làm rõ đặc khu mang lại lợi ích gì cho đất nước?
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo dự Luật phải làm rõ 3 đặc khu Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) mang lại lợi ích gì cho đất nước. Theo ông, điều cốt lõi nhất là dự luật thể hiện được 3 đặc khu này sẽ là động lực phát triển cho tỉnh, cho cả khu vực và kéo theo sự phát triển chung của đất nước; tạo nguồn thu cho ngân sách từ sự phát triển chứ không phải từ sưu cao thuế nặng. Cần có mô hình quản lý hiệu quả, giữ được quốc phòng, an ninh, không để các thế lực thông qua thủ đoạn kinh tế làm chúng ta mất chủ quyền quốc gia”, ông Hiển nhấn mạnh.
Vấn đề thuê đất gây tranh cãi nhất. “Thời hạn thuê đất ưu đãi là 70 năm và tới 99 năm, như dự thảo là quá dài và khó có thể biện minh về mặt kinh tế”, theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh. TS. An phân tích, các đặc khu không phải là “nhượng địa”, vì vậy không cần và không thể giao đất và ưu đãi vượt khung quá xa so với mặt bằng chung của quốc gia. Thứ hai, chu kỳ thu hồi vốn của các hoạt động sản xuất – kinh doanh thường không vượt quá 20-30 năm. Thứ ba, rất nhiều ngành nghề hiện nay được coi là “hiện đại” thì 20-30 năm trước hoặc mới chỉ ở tình trạng sơ khai, hoặc thậm chí còn chưa tồn tại. “Không ai có đủ tự tin để đoán trước 20-30 năm nữa những ngành nghề nào sẽ là tương lai của nền kinh tế. Vì vậy, nếu quy định danh mục và các điều kiện ưu đãi trong một thời gian quá dài là tự ràng buộc mình vào những cam kết vừa không cần thiết vừa không hiệu quả.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng thời gian cho thuê đất tới hơn 90 năm là quá dài và cần cân nhắc vì ba vị trí dự định thành lập đặc khu là vị trí nhạy cảm, tiền tiêu, đến nay chưa có chuyên gia về quốc phòng an ninh ở Quốc hội lên tiếng. “Ba vị trí này lại nhô ra Biển Đông, tác động của nó ở khía cạnh phòng thủ quốc gia sẽ thế nào? Thế giới đang vận động từ tấn công vũ trang sang quyền lực mềm, đó là mua chuộc cán bộ, cài cắm dân cư thì phải tính sao? Tôi nghĩ điều này phải bàn bạc kỹ và thận trọng” – ông Lê Thanh Vân đặt vấn đề.
Cùng quan điểm, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách TPHCM nói rằng, chính sách đột phá, mở rộng không đồng nghĩa với dễ dãi. Thời gian giao đất quá dài thì sau này con cháu chúng ta xử lý thế nào nếu có vấn đề liên quan đến khía cạnh quốc phòng an ninh? “Cần quan tâm vấn đề chủ quyền trong quá trình giao đất và thực hiện ưu đãi. Cả 3 đặc khu ở khu vực hết sức nhạy cảm. Ta không thể hời hợt về vấn đề thế sự này được, cần nghiên cứu tác động đến chủ quyền đất nước trong tương lai” – ông Khuê nêu quan điểm.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu TP HCM, cũng thống nhất với đại biểu Lê Thanh Vân là việc giao đất, cho thuê đất cần ở ba vị trí nêu trên cần được nghiên cứu thận trọng về đảm bảo an ninh, quốc phòng. Giao đất quá dài, lên tới 99 năm thì sau này con cháu chúng ta xử lý thế nào nếu có liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh? Cần phải xác định rõ chúng ta không đánh đổi chủ quyền cho phát triển kinh tế”, ông Khuê nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề, có thể đưa ra cơ chế đặc thù nhưng không miễn tiền thuê đất mà giảm có thời hạn. “Dự luật có một số điểm không phù hợp với Hiến pháp, như việc quyết định chính sách thuế như thế nào là do Quốc hội chứ không phải giao cho trưởng đặc khu, vì vậy cần rà rất kỹ để đại biểu Quốc hội có thể yên tâm bấm nút thông qua”, ông Hiển nói. Phát biểu làm rõ thêm về thời hạn giao đất, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, thời hạn giao đất 99 năm chỉ trong trường hợp đặc biệt và thực tế sau này khi xem xét yếu tố “đặc biệt” phải trải qua quy trình với nhiều cấp thẩm quyền quyết định. Quy định như vậy nhằm đảm bảo độ mở của luật để hạn chế việc sửa đổi nếu có sau này chứ không phải giao ngay đất với thời hạn trên.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo mới nhất Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã giảm thiểu các chính sách ưu đãi. Các ưu đãi, theo đó, đã thấp hơn dự tính ban đầu. Ông đề nghị không thu hẹp ưu đãi nữa, sẽ mất tính vượt trội và cạnh tranh của đặc khu… Phát biểu sau đó, cả lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Khánh Hoà, nơi có hai đặc khu Vân Đồn và Bắc Vân Phong đều đồng tình với Bộ trưởng Dũng là nên giữ các chính sách ưu đãi đầu tư, không nên thu hẹp thêm nữa.
Ưu đãi của đặc khu cần thế nào để sau thành lập, đặc khu thật sự mang lại lợi ích cho đất nước? Duy trì và kiểm soát mức ưu đãi thế nào để hậu ưu đãi không bị méo mó vì lợi ích nhóm. Đó là điều cần tiếp tục quan tâm làm rõ trước khi dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc ngày 20/5).
Tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu 1. Chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có Hội đồng nhân dân đặc khu và Ủy ban nhân dân đặc khu. 2. Chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc tỉnh và ở phường theo quy định của pháp luật có liên quan và nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật này. 3. Nguyên tắc tổ chức, phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở đặc khu thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật này, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của đặc khu. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đặc khu 1. Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 2. Tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê tại đặc khu thuộc sở hữu của mình tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam để vay vốn đầu tư. 3. Việc sử dụng đất tại đặc khu phải phù hợp với quy hoạch đặc khu và các quy hoạch chi tiết để thực hiện quy hoạch đặc khu. 4. Tranh chấp về đất đai tại đặc khu được giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và quy định tại Luật này. |