Dự thảo Luật An ninh mạng có thể phát sinh "giấy phép con" cho hoạt động khởi nghiệp

Huyền Trang 10/05/2018 06:04

Nhiều chuyên gia khẳng định, dự thảo Luật An ninh mạng vẫn còn tồn tại bất cập, làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, thậm chí còn có thể phát sinh "giấy phép con".

Dự thảo Luật An ninh mạng dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào cuối tháng 5/2018.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật An ninh mạng cần bổ sung quy định về hoạt động tác chiến mạng

    11:30, 23/11/2017

  • Dự thảo Luật An ninh mạng cản đường hội nhập?

    16:49, 22/11/2017

  • Dự thảo luật An ninh mạng còn chồng chéo

    17:48, 13/11/2017

Nhiều bất cập

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) khẳng định các quy định được đề xuất trong dự thảo luật có thể làm gia tăng chi phí hoạt động cho các nhóm doanh nghiệp này như chi phí tuân thủ, chi phí giấy phép và thủ tục hành chính.

Nhiều chuyên gia khẳng định, dự thảo Luật an ninh mạng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia khẳng định, dự thảo Luật an ninh mạng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

“IPS cho rằng, đối với nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, dự thảo Luật An ninh mạng có khả năng làm phát sinh 2 giấy phép con cho hoạt động khởi nghiệp. Đó là giấy phép kiểm tra, đánh giá an ninh mạng đối với hệ thống thông tin và giấy chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện chất lượng trước khi đưa ra thị trường.

Trong khi đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ hiện nay, bên cạnh giấy phép đăng ký doanh nghiệp thông thường còn phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và thực hiện thêm các giấy phép khác liên quan đến dịch vụ mà mình cung cấp. Riêng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông hiện có 16 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Với mỗi ngành nghề lại có các giấy phép khác nhau và mỗi sản phẩm, dịch vụ thuộc ngành nghề sẽ có giấy phép khác nhau”, ông Đồng lập luận.

Tương tự, luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế cho rằng Luật An toàn Thông tin và Luật An ninh mạng đều có cùng mục tiêu chống rủi ro từ nền kinh tế số. 

Theo quan điểm của ông Lập, trong khi đó, mọi chính sách của dự thảo Luật An ninh mạng lại chỉ ưu tiên Nhà nước, ưu tiên xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, ưu tiên đầu tư bố trí kinh phí bảo vệ anh ninh mạng... Trong khi đó, các quyền riêng tư lại chưa được chi tiết và rất thiếu các quy định bảo vệ công dân, tổ chức trước những thông tin sai lệch.

Để giải quyết vấn đề này, ông cho rằng cần có các tổ chức xã hội dân sự trong thẩm định thông tin; nâng cao trách nhiệm xã hội của các công ty công nghệ; có giải pháp đào tạo về giáo dục với truyền thông và kinh tế số.

Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam?

Về vấn đề kinh nghiệm quốc tế và khung pháp lý cho quản lý an ninh mạng tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Khối kỹ thuật, Công ty Giải pháp thanh toán Việt Nam – VNPAY cho hay hiện tại với công nghệ đang phát triển rất nhanh đặc biệt là công nghiệp 4.0 sẽ có những rủi ro lớn. Luật An ninh mạng ở Việt Nam được xây dựng khá đầy đủ tuy nhiên vẫn sẽ cần phải liên tục cập nhật theo tình hình an ninh bảo mật tại Việt Nam và thế giới. Những yêu cầu về an ninh bảo mật sẽ đảm bảo an toàn hơn cho người dùng nhưng để thực hiện các giải pháp bảo mật lại tiêu tốn nhiều chi phí và nguồn lực của doanh nghiệp.

Về phần mình, Viện IPS cũng đưa ra kiến nghị để đại biểu Quốc hội xem xét sửa đổi chẳng hạn như chỉ nên xây dựng luật từng phần, giải quyết từng nhóm vấn đề; cần tiếp tục xem xét việc xây dựng một đạo luật riêng về bảo vệ dữ liệu; bãi bỏ các thủ tục, quy định có rủi ro gây ra giấy phép con cho doanh nghiệp…

Về vấn đề này, bà Lim May - Ann, Giám đốc điều hành Hiệp hội điện toán đám mây châu Á (ACCA) cho biết, nhiều quốc gia ở trên thế giới đều đang xây dựng những luật mới để kiểm soát và thúc đẩy nền kinh tế số. Hiệp hội Điện toán Đám mây châu Á hiện nay hỗ trợ nhiều cho các hoạt động của Việt Nam hướng tới sự phát triển của nền kinh tế số. Từ những kinh nghiệm của các quốc gia châu Á, chúng ta không thể chạy quá nhanh trong quá trình phát triển công nghệ số, kinh tế số, chúng ta phải có những quy định quản lý phù hợp.

Huyền Trang