Bộ Giao thông đề xuất bỏ quy định trạm thu phí cách nhau tối thiểu 70km
Ở Dự thảo lần 2, vị trí đặt trạm thu phí dự kiến sẽ không phải lấy ý kiến của Hiệp hội vận tải ô tô và ý kiến của nhân dân địa phương.
Dù mới đang trong giai đoạn lấy ý kiến hoàn thiện lần 2 nhưng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đang gây nhiều chú ý và tạo ra các ý kiến trái chiều.
Có thể bạn quan tâm
TP HCM: Đấu thầu các dự án chỉnh trang đô thị theo phương thức BT, PPP, BOT
12:47, 14/05/2018
Bộ Giao thông vận tải nói gì về đề xuất cấm Uber, Grab trên 11 tuyến phố?
19:04, 01/03/2018
Vì sao Sở GTVT Quảng Ninh làm trái quan điểm Bộ Giao thông Vận tải?
08:10, 26/10/2017
Đáng chú ý, tại lần sửa đổi này, Bộ Giao thông-Vận tải đề xuất bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu 70km giữa các trạm và “lắc đầu” với đề nghị lấy ý kiến người dân địa phương, hiệp hội vận tải ôtô.
Dự thảo này đưa ra 3 điểm bổ sung và 4 điểm sửa đổi.
Cụ thể, dự thảo đưa ra: “Doanh thu bình quân một ngày trong tháng là doanh thu bình quân một ngày của tổng doanh thu vé lượt, vé tháng, vé quý được ghi nhận trong tháng”; “Trạm thu giá phải đảm bảo 3 tiêu chí, điều kiện như vị trí trạm thu giá phải được xác định trong thời gian lập dự án BOT; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (Nhà nước, nhà đầu tư, người dân địa phương); phải thuận lợi cho việc thu giá, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án BOT; đối với quốc lộ, trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (Hội đồng nhân dân, UBND); đối với đường địa phương, trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông-Vận tải”.
Ngoài ra, đơn vị thu giá không thực hiện báo cáo theo quy định, hoặc không nộp phí sử dụng tài sản Nhà nước, không nộp tiền thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định hiện hành khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản nhắc nhở 2 lần, mỗi lần cách nhau không dưới 5 ngày. Thời gian thu bị trừ là 1 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo từ 10 ngày đến 30 ngày; thời gian thu bị trừ 2 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo từ 31 ngày đến 60 ngày; đối với trường hợp chậm nộp báo cáo từ 61 ngày trở đi, cứ 5 ngày chậm nộp báo cáo thì thời gian thu bị trừ 1 ngày.
Đặc biệt, Dự thảo lần này đã bỏ đi quy định trạm thu phí trên cùng 1 tuyến đường phải đảm bảo cự ly cách nhau tối thiểu là 70km. Theo Vụ Tài Chính (Bộ Giao thông-Vận tải) lý giải: Tiêu chí khoảng cách giữa các trạm thu giá trên cùng một tuyến đường cần được thuyết minh rõ cơ sở khoa học tính toán, xây dựng và quy định.
Nguyên nhân bỏ quy định này là tiếp thu các ý kiến cho rằng việc quy định khoảng cách gặp khó khăn vì có thể rơi vào khu vực dân cư đông, chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định, không phù hợp với các thông tư hiện hành...
Về vấn đề này, trả lời báo chí ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng không nên quy định cứng nhắc với con số 70km vì thời gian qua người dân phản ứng với một số dự án BOT không hẳn vì khoảng cách giữa các trạm mà vì làm trên đường độc đạo, cải tạo đường cũ rồi thu phí kiểu cào bằng, dân không có quyền lựa chọn thậm chí không sử dụng dịch vụ cũng đóng phí.
Vì thế, nếu làm đường mới hoàn toàn như cao tốc Bắc-Nam, người dân có sự lựa chọn thì vấn đề khoảng cách quy định cứng là bao nhiêu không quan trọng. Cùng quan điểm, một chuyên gia khác trong ngành cho rằng quy định này không cần thiết nếu các trạm thu giá BOT chỉ có trong các dự án làm đường mới và việc thu giá tự động không dừng được triển khai trên cả nước.
Còn theo đại diện Bộ Tài chính, quy định khoảng cách như trên chỉ phù hợp với các dự án áp dụng phương pháp thu hở (không theo km) song không phù hợp với các dự án thu kín (theo km).
Hiện Bộ Giao thông-Vận tải vẫn đang lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, chuyên gia cũng như người dân và theo kế hoạch, đến ngày 8/6/2018, bộ mới dừng lấy ý kiến cho dự thảo lần 2.