Cạn luồng hàng hải Hải Phòng: Hàng triệu USD ném xuống biển mỗi ngày
Gần 1 năm rưỡi qua, các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng chưa thể nạo vét nổi 1 m3 nào. Nhưng dường như các cơ quan chức năng vẫn... “bình chân như vại”.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã từng có loạt bài: “Luồng cạn, doanh nghiệp hạn đủ đường”. Tuy nhiên, 6 tháng qua, tình trạng sa bồi các luồng hàng hải khu vực Hải Phòng vẫn tăng. Trong khi đó, các đơn vị chức năng chưa thể thực hiện nạo vét nổi 1m3 nào vì phải loay hoay với thủ tục và tìm điểm đổ thải.
Có thể bạn quan tâm
Luồng cạn, doanh nghiệp gặp “hạn” đủ đường Kỳ IV: Sống chết mặc bay!
15:59, 09/12/2017
Luồng cạn, doanh nghiệp gặp “hạn” đủ đường (Kỳ I): Vướng thủ tục để đổ thải
12:49, 30/11/2017
Luồng cạn, doanh nghiệp gặp “hạn” đủ đường Kỳ II: Cuộc giải cứu luồng cạn
15:43, 03/12/2017
Luồng cạn, doanh nghiệp “hạn” đủ đường Kỳ III: Khi hai bộ mải chia trách nhiệm?
15:51, 07/12/2017
Ném tiền... xuống biển
Hiện thông số kỹ thuật luồng hàng hải Hải Phòng đến cuối tháng 4/2018 được thông báo có độ sâu -6,3 mét đoạn kênh Hà Nam và luồng Bạch Đằng. Trong khi đó, chuẩn tắc của luồng hàng hải Hải Phòng là -7 đến -7,2m.
Theo tính toán của các hãng tàu, luồng bị cạn 10 cm thì mớn tàu sẽ phải giảm đi 400 – 500 tấn hàng/chuyến. Như vậy, với độ sâu luồng giảm 70 cm như vậy, các hãng tàu phải mất đi 6.000 tấn hàng/chuyến cả chiều nhập và chiều xuất, tương đương 400 container/chuyến. Với giá cước vận tải biển đi các tuyến quốc tế trung bình xấp xỉ 1.000 USD/container, mỗi ngày doanh nghiệp bị mất khoảng 400.000 USD/tàu chỉ vì luồng cạn.
Theo ông Cao Trung Ngoan, Phó TGĐ Cty CP Cảng Hải Phòng, đối với các đơn vị khai thác cảng, nếu mất 400 container/chuyến tàu thì với mức giá xếp dỡ trung bình hiện nay tính theo mức giá sàn của Bộ GTVT là 30 USD/container. Như vậy chỉ tính riêng xếp dỡ, các doanh nghiệp khai thác cảng đã mất 12.000USD/tàu, chưa kể đến thiệt hại doanh thu từ nâng hạ, lưu kho bãi do sản lượng giảm.
Về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khi hàng hóa không xếp được lên tàu do ảnh hưởng bởi mớn nước bị hạn chế đã gây ún ứ hàng hóa tại cảng. Từ đây, các doanh nghiệp vô tình mất thêm các chi phí lưu bãi, lưu container và tổn thất do giao hàng chậm. Đặc biệt, các hàng phải lưu kho bãi tại các cảng nước ngoài như: Hồng Kông, Singapo, Thượng Hải... phải trả mức phí rất cao.
Trong khí đó, chỉ tính riêng khu vực Đình Vũ khai thác trung bình khoảng 10 chuyến tàu/ngày. Có nghĩa là mỗi ngày, các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng đã “cướp” đi của các doanh nghiệp vận tải biển khoảng 5 triệu USD/ngày.
Mãi “ngậm bồ hòn”, gần đây các doanh nghiệp khai thác cảng tại khu vực Đình Vũ lại tiếp tục cầu cứu lên UBND TP Hải Phòng, Bộ GTVT (Cục Hàng Hải, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng) xem xét và khẩn trương nạo vét các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng, đặc biệt các điểm gây tắc nghẽn để cứu doanh nghiệp. “Ngoài thiệt hại về kinh tế, độ sâu luồng thay đổi đã làm xấu đi hình ảnh của một cảng biển quốc tế dưới con mắt các bạn hàng quốc tế, giảm sức cạnh tranh với các cảng của các nước trong khu vực và đi ngược với tầm nhìn phát triển kinh tế biển”, các doanh nghiệp nêu trong đơn.
Bao giờ cho đến... bao giờ?
Các tuyến luồng Hàng hải Hải Phòng trung bình mỗi năm phải duy tu nạo vét với khối lượng 1,5 đến 2 triệu m3. Thế nhưng, hơn 1 năm qua, Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Bắc (đơn vị được giao đơn vị quản lý, thực hiện việc duy tu nạo vét các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng) đã không thể nạo vét nổi 1 m3 nào. Lý do được đơn vị này đưa ra là... không có điểm đổ thải. Trước đây, vật liệu nạo vét được đổ ra biển. Tuy nhiên, kể từ 01/07/2016, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chính thức có hiệu lực. Theo đó, nhiều quy định mới về xả thải rất chặt chẽ để bảo vệ môi trường như: Đánh giá tác động môi trường; Cấp phép nhận chìm... Việc hoàn thành các thủ tục cấp phép đổ vật liệu nạo vét ra biển thời gian qua đã không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, ngay từ năm 2016, thành phố Hải Phòng đã quy hoạch quy hoạch 7 vị trí đổ vật liệu nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải khu vực Hải Phòng, trong đó có 5 vị trí đổ trên bờ. Thế nhưng sau rất nhiều “đắn đo”, Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Miền Bắc vẫn chưa chọn được điểm đổ thải nào với lý do... tốn chi phí. Chỉ đến tháng 10/2017 Cty TNHH Thành Bình là nhà thầu của Tập đoàn VinGroup thực hiện dự án Khu vui chơi giải trí trên đảo Vũ Yên đồng ý tiếp nhận vật liệu nạo vét thì việc nạo vét mới được khởi động.
Tuy nhiên, đã nửa năm qua, dù được tiếp nhận đổ vật liệu nạo vét nhưng luồng Hải Phòng vẫn tắc. Theo ông Dương Ngọc Đức, Phó TGĐ Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Miền Bắc hiện đã có điểm đổ thải vật liệu nạo vét vào đảo Vũ Yên. Mọi công tác chuẩn bị cho việc thực hiện nạo vét đã hoàn tất, nếu không có gì thay đổi, ngày 14/5 đơn vị sẽ tiến hành nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng. Thời gian nạo vét sẽ mất khoảng 2 tháng, trước mắt, sẽ ưu tiên nạo vét các vị trí sa bồi gây nhiều tắc nghẽn.
Bao giờ thì luồng hàng hải Hải Phòng hết tắc là câu hỏi được các doanh nghiệp vận tải biển mong chờ. “Bao giờ” thì câu trả lời chỉ Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Miền Bắc mới biết. Còn các doanh nghiệp hoạt động tại cảng vẫn như người ngoài cuộc.