KCN Quán Ngang và ẩn họa môi trường Kỳ cuối: hàng chục ngàn cư dân thấp thỏm với ô nhiễm sông Hiếu

Trương Khắc Trà 20/05/2018 11:50

Trong lúc đợi chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng về nguồn nước thải xuất phát từ phía KCN Quán Ngang, DĐDN tiếp tục nỗ lực phát đi một vài cảnh báo xem như “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Bắt nguồn từ ngọn núi Tá Linh, thuộc xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, sông Hiếu hợp lưu nhiều dòng suối nhỏ ở thượng nguồn rồi đổ thẳng một mạch ra biển Cửa Việt, thuộc Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh.

p/Nước sông Hiếu có màu xanh biếc đặc trưng đang chuyên sang màu vàng nhạt.

Nước sông Hiếu có màu xanh biếc đặc trưng đang chuyên sang màu vàng nhạt.

Sông Hiếu - “cái nôi” của sự sống

Là dòng sông mang ý nghĩa hồn thiêng trên đất mẹ Quảng Trị. Các nhà địa lý ngày nay coi sông Hiếu là một nhánh thuộc hệ thống sông Thạch Hãn với diện tích lưu vực khoảng 465km2 và độ dài con sông 70km, chiều rộng của sông đoạn qua Thành phố Đông Hà 150 - 200m.

Điều đáng trân quý và gìn giữ trên mảnh đất đầy nắng và gió là được thiên nhiên ưu ái lựa chọn dòng Hiếu Giang xanh trong vắt ngang, dòng sông trở thành điểm tựa hồi sinh của mảnh đất và con người nơi đây, đi xuyên suốt qua mọi biến cố của thời cuộc.

  Hiện có khoảng 30 nghìn dân cư sinh sống ven bờ sông Hiếu, trong đó hàng ngàn người hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến con sông này.

Chất lượng nước con sông này thuộc vào loại tốt nhất ở Miền Trung, đầy đủ các đặc điểm của sông ngòi vùng Trung Bộ - ngắn, dốc và xanh màu xanh canh hến. Đó không chỉ là con sông bình thường, không chỉ mang nước đổ về biển khơi!

Ngoài chức năng phong thủy che chở bao bọc cho con người nơi mảnh đất đầy khắc nghiệt, sông Hiếu là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu và nguồn lợi kinh tế cho hàng chục ngàn dân các huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh (Quảng Trị).

Cơm áo của hàng chục ngàn dân hai bên bờ

Khi mặt trời chưa ló dạng, vợ chồng anh Thịnh vội vã cất những mẻ cá cuối cùng cho kịp phiên chợ sáng. Cuộc sống mưu sinh lênh đênh sóng nước nay đây mai đó của vợ chồng anh được truyền lại từ nhiều đời trước.

Vừa khéo léo gỡ những con cá mòi, cá móm tươi xanh mắc lưới, anh vừa kể: “Nhà tôi có nhiều đời gắn bó với con sông này, nhờ nó mà các con tôi được học hành. Không giàu có gì nhưng cũng đủ ăn. Hôm trúng thì được hơn hai trăm nghìn đồng, hôm nào khan cá cũng hơn trăm”.

Mặc dù gắn bó máu thịt với dòng sông nhưng anh Thịnh không biết chiếc “cần câu cơm” của mình có nguy cơ bị “gãy”. Khi được hỏi về khúc sông có màu nước vàng nhạt kia, gã ngư phủ rám nắng hoàn toàn không rõ nguồn gốc!

Cách miệng cống không xa - nơi nguồn nước chưa rõ “danh tính” đổ ra có làng nghề hến nổi tiếng đã thành thương hiệu. Du khách trong và ngoài tỉnh không ai không biết tiếng bún hến làng Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh), đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn là một trong 100 món ăn ẩm thực tiêu biểu.

Nguồn nguyên liệu chính là con “chắt chắt” sinh sống dưới lòng sông Hiếu, đặc biệt ở chổ nguồn thủy sản này chỉ sinh sôi nảy nở nơi vùng nước trong, sạch. Nghề cào hến và chế biến hến là một mạng lưới kinh doanh hình thành từ rất lâu đời.

Anh Đặng Quốc, người có thâm niêm 27 năm trong nghề chia sẻ: “Mỗi ngày đánh bắt khoảng hai tạ hến, sau khi sơ chế lấy được 15kg thịt bán ra khoảng 300 - 400 nghìn đồng”. Làng Mai Xá hiện có trên 20 hộ mưu sinh “sống khỏe” nhờ nghề truyền thống này.

Ven bờ sông Hiếu về phía hữu ngạn thuộc các xã Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Phước, Triệu An (huyện Triệu Phong) là vùng nuôi trồng thủy hải sản khá nổi tiếng. Nguồn nước ra vào các vuông tôm, cua được lấy từ con sông này.

Chủ tịch UBND xã Gio Quang, ông Lê Văn Thông từng tâm sự với phóng viên: “Cách đây mấy hôm, tôi đã nói với anh Lương (Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Gio Mai) nếu KCN Quán Ngang xả thải trực tiếp ra sông Hiếu, có khi không còn hến mà ăn!”.

Dự báo về khả năng ô nhiễm, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường Quảng Trị, ông Nguyễn Hữu Nam tỏ ra lo lắng: “Rất tiếc nếu một mai làng hến truyền thống Mai Xá không còn, khó tìm đâu ra món ăn ngon mà lại rẻ như thế”.

Chỉ tính khúc sông tầm 20km từ miệng cống xả xuôi dòng đến bờ biển Cửa Việt có khoảng 30 nghìn dân cư sinh sống ven bờ, trong đó hàng ngàn người hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến con sông này.

Nguồn lợi thủy hải sản ngày càng khan hiếm, người ta chưa thể biết đích xác nguyên nhân từ đâu. KCN Quán Ngang mới hoạt động mạnh vài năm trở lại đây, chưa có kết luận cụ thể nào về chất lượng nguồn nước và các nguy cơ ô nhiễm. Song, bài học kinh nghiệm nhiều địa phương trong cả nước cho thấy, bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ “phòng bệnh”.

Nếu sông Hiếu ô nhiễm sẽ để lại hậu quả không nhỏ. Nên chăng, ngay từ bây giờ các ngành liên quan phải xây dựng trạm quan trắc môi trường nước trên sông Hiếu, từ đó có biện pháp ngăn chặn kịp thời chứ không nên để “nước đến chân mới nhảy”.

Trương Khắc Trà