Đầu tư PPP: Đã có thể chấm dứt tình trạng “tay không bắt giặc”?

Huyền Trang 21/05/2018 06:20

Bên cạnh những lợi ích đã mang lại thì hiện tại những dự án được triển khai theo hình thức PPP đang bộc lộ rất nhiều điểm hạn chế, bất cập, trở thành một luồng tranh cãi lớn trong dư luận.

Trong khi chúng ta còn phải chờ Luật về PPP ít nhất 3 năm nữa thì ngày 4/5/2018 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư được Chính phủ ban hành. Nghị định này được kỳ vọng sẽ phần nào giải quyết được những bấp cập nói trên.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhà đầu tư “mòn mỏi” chờ Luật về PPP

    16:01, 10/05/2018

  • Nhà đầu tư “mòn mỏi” chờ Luật về PPP Kỳ II: Luật về PPP sẽ có “diện mạo” như thế nào?

    17:20, 11/05/2018

  • Đầu tư PPP: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%

    11:00, 11/05/2018

Còn nhiều nỗi lo

PPP từng là mô hình đầu tư được cả người làm chính sách lẫn nhiều nhà đầu tư hào hứng kỳ vọng nhất trong lĩnh vực giao thông, nhưng trong 2 năm trở lại đây, chưa có một dự án PPP mới nào được triển khai. Trong khi đó, những dự án được chuyển tiếp đang tạo ra một luồng tranh cãi rất lớn.

"Tôi đã chứng kiến một vụ việc tại Bà Rịa Vũng Tàu. Tại vụ việc này nhà nước đã đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp nhưng sau đó khi chính sách thay đổi thì nhà nước lại đổi cách tính hợp đồng. Điều này khiến giá đất tăng 14 lần so với hợp đồng trước. Sự thay đổi đó làm nhà đầu tư “méo mặt” bởi mọi phương án lời lãi thành phá sản. Đây là rủi ro lớn và quá kinh khủng".

Bên cạnh những lợi ích thiết thực mà đã mang lại thì hiện tại những dự án được triển khai theo hình thức PPP (đầu tư đối tác công-tư) đang bộc lộ rất nhiều điểm hạn chế, bất cập, trở thành một luồng tranh cãi lớn trong dư luận.

Bên cạnh những lợi ích thiết thực mà đã mang lại thì hiện tại những dự án được triển khai theo hình thức PPP (đầu tư đối tác công-tư) đang bộc lộ rất nhiều điểm hạn chế, bất cập, trở thành một luồng tranh cãi lớn trong dư luận.

Câu chuyện này được ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ khi nói về rủi ro của các chủ đầu tư khi thực hiên dự án PPP.

Chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp mình, ông Phan Xuân Dương - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 cũng đặt ra một bài toán nan giải cho của chủ đầu tư khi thực hiện các dự án PPP.

Bức xúc kể về dự án BOT của mình, ông Dương kể: "Chúng tôi có dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện 2.000 KW theo hình thức BOT, với tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD (khoảng 51% vốn là của nhà đầu tư nước ngoài). Tuy nhiên, dự án được thành lập từ 2009, đến nay sau 9 năm vẫn chưa triển khai được. “Trong quá trình đó, Chính phủ Việt Nam vẫn coi chúng tôi như là người đi cầu cạnh, chứ không phải là đối tác, được ngồi ngang hàng với họ. Tất nhiên, ở đây là do yếu tố con người”.

Ông Dương cho rằng hiện tại “chúng ta không quy định rõ ràng việc phân chia rủi ro, phía Việt Nam thường muốn bảo toàn, “co lại”, lo sợ nếu có gì xảy ra thì mất việc, kỷ luật”. 

Sẽ chấm dứt tình trạng tay không bắt giặc?

Hai câu chuyện điển hình về sự dở dang trong đầu tư dự án PPP trên cho thấy rất nhiều vấn đề và hàng “trăm nỗi khổ” từ phía người dân, Nhà nước, nhà đầu tư.

Điểm lại thực tiễn triển khai các dự án BOT giai đoạn 2011 – 2015 có thể thấy, năng lực tài chính của nhà đầu tư không đảm bảo là một trong những điểm yếu ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ dự án. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, vốn ngân hàng đổ vào các dự án BOT giai đoạn này chiếm 85% - 90% tổng vốn đầu tư của các dự án BOT có tài trợ vốn của ngân hàng. Nghĩa là nguồn vốn tự có của các nhà đầu tư BOT thực chất chỉ dừng ở mức khiêm tốn từ 10 – 11% tổng vốn đầu tư của dự án.

Trước đó, một số chuyên gia đã cho rằng, đa phần các dự án đều do nhà đầu tư tự lập đề xuất dự án, việc này có thể dẫn đến hiện tượng đội vốn và với mức vốn tự có của các nhà đầu tư BOT chỉ dừng ở mức 10 – 11% như vừa nếu thì nhà đầu tư BOT đã gần như có thể bù được phần vốn chủ sở hữu. Thậm chí, gay gắt hơn nhiều chuyên gia còn khẳng định nhà đầu tư BOT “cứ làm là có lãi”, “tay không bắt giặc”.

Điều đáng nói là có thể dẫn đến phát sinh rủi ro, tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội, trong lúc thiếu cơ chế phản biện, giám sát, thẩm định khách quan của bên thứ ba.

Hạn chế là vậy, nhưng không thể phủ nhận rằng việc huy động nguồn vốn tư nhân thông qua hình thức đầu tư công tư để đầu tư vào cơ sở hạ tầng là điều vô cùng cần thiết, bởi nhu cầu về cơ sở hạ tầng để phục vụ sự phát triển không thể chờ đợi.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Một trong những điểm mới của Nghị định này là điều chỉnh quy định về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP.

Theo đó, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết. Trong đó, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau: Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư; đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2018.  Trong bối cảnh nhà đầu tư phải chờ ít nhất 3 năm nữa mới có Luật về PPP được ban hành thì Nghị định này được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng “tay không bắt giặc” trong việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia vào các công trình PPP. Đồng thời, Nghị định cũng hứa hẹn sẽ giúp thu hút được những nhà đầu tư có thực lực tham gia vào hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng.

Huyền Trang