Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng như “gánh hàng rong”

Lê Cường 17/06/2018 05:42

“Nay chạy chỗ này mai chạy chỗ kia, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) chúng tôi cứ như những “gánh hàng rong” trái phép liên tục bị đuổi vậy”.

Đó là lời than của ông Bùi Xuân Khoản, Giám đốc Công ty CP Cát Sông Lô, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).

p/Cả người dân và doanh nghiệp đều gặp khó về cácp/điểm kinh doanh vật liệu xây dựng.

Cả người dân và doanh nghiệp đều gặp khó về các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng.

Doanh nghiệp khó thoát vi phạm

Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hạ Long (Quảng Ninh) tồn tại nhiều bến bãi trái phép không nằm trong quy hoạch, hoạt động một cách công khai nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý. Những bến bãi tập kết vật liệu xây dựng như cát, sỏi và than đều nằm sát các địa điểm ven đường quốc lộ, bến sông, bến tàu để có thể kinh doanh thuận lợi. Theo văn bản số 10178/UBND ngày 29/12/2017 của UBND TP Hạ Long thì còn hàng chục điểm bến bãi vi phạm tại các phường cần được giải tỏa trong năm 2018. Tuy nhiên, nếu giải tỏa, thì những doanh nghiệp này sẽ kinh doanh ở đâu lại là một câu hỏi lớn?

Ở thành phố Hạ Long, hiện cát, sỏi khan hiếm và giá đã tăng khoảng gần gấp rưỡi so với trước đây, bởi Hạ Long hiện giờ được ví như một “Đại công trường” của Quảng Ninh, các công trình lớn nhỏ đều đang được triển khai xây dựng rầm rộ.

Để đảm bảo cát phục vụ thi công, doanh nghiệp chúng tôi đã phải thuê bãi chứa cát tại các điểm dân cư với giá 40 triệu đồng/tháng. “Tôi thấy việc kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp để ổn định nhu cầu về vật liệu cát sỏi. Với tình hình như hiện nay, rất khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.” ông Khoản nói.

Cũng theo ông Khoản, khi đoàn liên ngành thông báo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi các doanh nghiệp đã dừng kinh doanh, tháo dỡ máy móc, dọn sạch bến cát.

Tuy nhiên, vấn đề lao động việc làm và món nợ vay ngân hàng đang là nỗi lo. Ông Khoản trao đổi thêm, để mua sắm máy móc, thiết bị và vốn kinh doanh, tôi đã vay ngân hàng hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó là việc làm, thu nhập của 20 lao động. Chúng tôi chấp hành nghiêm chỉ đạo của tỉnh, nhưng đề nghị các cấp xem xét quy hoạch địa điểm, để chúng tôi tiếp tục sản xuất, kinh doanh, kéo dài ngày nào, doanh nghiệp và người lao động sẽ rất khó khăn.

Bao giờ có quy hoạch bãi vật liệu xây dựng?

Cùng Quan điểm, bà Nguyễn Thanh Mai Công ty CP Cát Mai Hải nói, chúng tôi mong muốn thành phố sớm công bố quy hoạch điểm tập kết VLXD để Công ty có điều kiện được hoạt động hợp pháp. Việc kinh doanh không ổn định ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm lao động, chưa kể doanh nghiệp vay ngân hàng đầu tư máy móc, thiết bị và vẫn phải trả lãi hằng tháng mà bất kỳ lúc nào cũng có thể bị tạm dừng hoạt động.
Cũng theo bà Mai, doanh nghiệp bà còn may mắn, thành phố mới đây đã cho phép đơn vị tập kết tạm thêm 3 tháng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác lại đang gặp khó khi liên tục phải di chuyển điểm, có doanh nghiệp đã di chuyển đến 3,4 lần. Mỗi lần như vậy, tốn kém hàng tỷ đồng cho việc vận chuyển máy móc, thuê bãi tập kết mới và thời gian này các mối hàng cũng chuyển sáng nhập vật liệu từ đơn vị khác. “may mắn, những không biết 3 tháng nữa chúng tôi sẽ đi đâu khi mà thành phố chưa có điểm kinh doanh”, bà Mai lo lắng.
Được biết, các doanh nghiệp đã nhiều lần làm đơn kiến nghị và làm việc với phòng Quản lý đô thị thành phố Hạ Long về quy hoạch bãi tập kết VLXD. Cơ quan này cho biết, quỹ đất hiện nay của thành phố quá eo hẹp, các khu đô thị được xây dựng khắp nơi, vì vậy rất khó để ngay bây giờ có thể cấp một nguồn đất đủ rộng làm bãi tập kết.

Trao đổi với PV về vấn đề này, một cán bộ phường Cao Xanh, địa bàn có khá nhiều điểm kinh doanh VLXD cho biết, thời gian tới, việc di dời các điểm tập kết cát, sỏi sẽ đòi hỏi quỹ đất rất lớn. Do vậy, việc tìm kiếm giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức. Nhiều doanh nghiệp đã dành nguồn lực đáng kể đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nay di dời thiệt hại rất lớn.

Để thực hiện tốt chỉ đạo của tỉnh và thành phố, tới đây phường sẽ thành lập tổ công tác, rà soát, thống kê thực trạng tình hình, giúp các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ mang tính pháp lý liên quan. Cùng với đó, phường cũng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm vị trí mới, đúng theo quy hoạch nhằm thực hiện di dời địa điểm kinh doanh nhanh nhất. “Phương án thực hiện di dời của các doanh nghiệp kinh doanh, tập kết cát, sỏi trên địa bàn đảm bảo sự công bằng, đúng pháp luật”, vị cán bộ này cho biết.

Một đô thị đang phát triển mạnh như Hạ Long, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng là rất cần thiết. Quy hoạch một điểm tập kết VLXD cho các doanh nghiệp này là việc cần làm ngay của chính quyền thành phố, để người dân cũng như doanh nghiệp có thể ổn định đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lê Cường