¾ số vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến sắt thép
Thông tin này được bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) đưa ra.
Bà Trang cho biết, tính đến nay hàng hóa Việt Nam đã bị kiện ở 107 vụ liên quan đến phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng, trong đó có 78 vụ là kiện chống bán phá giá, 12 vụ kiện chống trợ cấp và 17 vụ kiện chống lẩn tránh thuế.
Có thể bạn quan tâm
EC điều tra phòng vệ thương mại đối với thép nhập khẩu
02:09, 31/03/2018
Sẽ có quy định chi tiết về các biện pháp phòng vệ thương mại
04:56, 26/01/2018
Dệt may “đau đầu” với các vụ kiện phòng vệ thương mại
00:27, 31/03/2017
Theo đó, nguyên đơn đứng đầu nhiều nhất các vụ kiện đối với hàng Việt là các nhả sản xuất Mỹ, tiếp đến là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc và EU. Gần đây, các nhà sản xuất, hiệp hội tại Indonesia và một số quốc gia trong khu vực cũng có tên trong danh sách kiện hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, thậm chí là khởi kiện khá dồn dập.
Đáng chú ý, trong số 78 vụ kiện chống bán phá giá thì có 37 vụ là liên quan đến sắt thép, chiếm ½ số vụ kiện. ¾ số vụ kiện chống trợ cấp cũng liên quan đến mặt hàng sắt thép. Tiếp đến là mặt hàng dệt sợi và nông thủy sản.
Bà Trang cho biết, thương mại toàn cầu đã và đang chứng kiến những biểu hiện về bảo hộ thương mại phức tạp, đặc biệt là ở một số thị trường lớn.
Trong số 17 vụ kiện chống lẩn tránh thuế có 16 vụ các nguyên đơn nghi ngờ là hàng hóa từ Trung Quốc (đang bị áp thuế chống bán phá giá cao) được hợp thức hóa qua các cơ sở tại Việt Nam để lẩn tránh thuế trước khi xuất đi. Nguyên đơn cho rằng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam thực ra là sản xuất từ nước khác, đang bị đánh thuế cao hơn, hợp thức hóa qua Việt Nam để đi đến nước thứ ba nhằm lợi dụng nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam tránh thuế cao.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam mới chỉ là nguyên đơn 3 vụ kiện chống bán phá giá cũng là kiện các sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan. Đã có 3 biện pháp áp thuế cao cho các vụ kiện này.
Sáu vụ kiện khác đã được Việt Nam khởi xướng đối với hàng hóa nhập khẩu mang tính kiện tự vệ để bảo vệ hàng hóa trong nước. Trong số này có hai vụ kiện tự vệ đối với mặt hàng thép, phân bón, bột ngọt, dầu thực vật, kính nổi.
"Các vụ kiện chống bán phá giá thường có thời hạn rất ngắn, các yêu cầu về kỹ thuật lại cực kỳ phức tạp, trong khi, các doanh nghiệp Việt Nam lại không phải luôn luôn sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài, chưa kể việc lạ nước lạ cái, thiếu sự hỗ trợ của luật sư, cùng với rất nhiều thứ khác, nên chuẩn bị được sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó", bà Trang khẳng định.
Theo quan điểm của bà Trang, ngay ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức để có những hiểu biết nhất định về quy trình kiện, về những thị trường mà mình đang xuất khẩu để có sự chuẩn bị trước về kiến thức, về hồ sơ, chứng từ sổ sách sao cho minh bạch đàng hoàng, rõ ràng và phù hợp để đến khi cần thì có thể chứng minh được dễ dàng hơn.
“Cùng với đó, các doanh nghiệp cùng nên thường xuyên cùng với các đối tác nhập khẩu theo dõi sát các động thái từ phía Hoa Kỳ. Đây cũng là những bước chuẩn bị trước hoặc sẵn sàng cho những vụ kiện. Trong một số trường hợp hãn hữu thì vẫn có thể tránh được những vụ kiện nếu có thể trao đổi trước được với các nhà sản xuất tại nước sở tại...", bà Trang đưa ra khuyến nghị dành cho doanh nghiệp.