"Tăng thuế phải sử dụng để sinh lợi, đầu tư hạ tầng"
Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR khẳng định, việc tăng thuế VAT nhìn chung đều ảnh hưởng đến các hộ gia đình, người dân, vì giá cả tăng theo.
Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án sửa đổi luật thuế Giá trị gia tăng, trong đó phương án 1 tăng từ 5% lên 6% và từ 10% tăng lên 12%. Phương án 2 tăng các mặt hàng có thuế suất 5% lên 10%. Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.
Có thể bạn quan tâm
Thuế nhà đất có lộ trình 10 năm?
11:52, 29/06/2018
Cho doanh nghiệp thuê đất nhưng bịt lối ra vào Kỳ II: Chưa có phương án nào khả thi cho doanh nghiệp
11:39, 29/06/2018
Samsung Việt Nam: Lợi nhuận "khủng", nộp thuế "còi"
06:30, 29/06/2018
Phản biện lại đề xuất này, tại một hội thảo mới đây do VEPR tổ chức, TS Nguyễn Đức Thành Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách khẳng định khi tăng thuế VAT, người có thu nhập cao bị ảnh hưởng hơn một chút so với người nghèo, tuy nhiên người nghèo sẽ bị thiệt hại về thực tế thu nhập nhiều hơn so với người giàu do thu nhập của họ ít hơn.
“Về cơ bản, các hộ ở nông thôn, nhiều thành viên, trình độ học vấn thấp… thì ảnh hưởng mạnh hơn do tăng thuế VAT”, ông Thành nhấn mạnh.
Từ lập luận đó, ông Thành nêu ra quan điểm: Nếu không có cải cách đáng kể trong chi tiêu mà chỉ tăng thuế, phúc lợi xã hội sẽ giảm; năng suất cũng như sản lượng tăng không đáng kể.
“Việc tăng thuế trong bất kỳ trường hợp nào buộc sử dụng nguồn tăng thuế đó để sinh lợi, đầu tư hạ tầng mới tốt hơn. Chính phủ chịu sức ép nguồn thu thì luôn phải tìm cách tăng đủ mọi thứ, thuế môi trường xăng dầu, thuế VAT… Lúc đưa ra thì ý tưởng như vậy nhưng tăng bao nhiêu lại là vấn đề; người dân phản đối mạnh mẽ và nhiều chiều”, ông Thành nói.
Do vậy, ông Thành cho rằng, ban soạn thảo cần phải rút kinh nghiệm khi chuẩn bị các luật thuế này cần công phu và thông tin nhiều hơn, đánh giá tác động nhiều hơn. Khi giải trình với Quốc hội và dân chúng đã có đánh giá rất kỹ, minh bạch, sử dụng làm gì điều đó sẽ tạo sự đồng thuận và hợp tác từ phía người dân
"Nếu chi tiêu khôn ngoan hơn, đầu tư hiệu quả sẽ giúp tăng năng suất nền kinh tế trong dài hạn, có hiệu quả. Phân tích của nhóm nghiên cứu chúng tôi cho thấy, các hộ nông thôn chịu ảnh hưởng nhiều và vùng miền, các vùng khu vực phía Nam, các hộ dân tộc miền núi Tây Bắc cũng chịu ảnh hưởng từ các loại thuế này", ông Thành nói.
Trong trường hợp “bất đắc dĩ” phải tăng thuế, ông Thành cho rằng ban soạn thảo cần giải pháp khác nữa tính tới các nguồn khác như thuế tài sản người giàu, phân tán nguồn thu ra để tránh tập trung vào đối tượng phổ thông, yếu thế.