Tranh cãi thuế TTĐB với nước ngọt!

Huyền Trang 19/07/2018 11:00

Theo dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), nước ngọt có đường được đề xuất áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và nâng thuế VAT thêm 2%.

Thực tế, đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế ngay khi vừa được công bố cũng không nhận được sự đồng thuận từ các bộ ngành. Nhất là việc đồ uống có đường được liệt vào danh sách chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do “ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

p/Không có bằng chứng nào chứng minh rằng việc đánh thuế nước ngọt sẽ giúp cho người Việt Nam có sức khỏe tốt hơn.

Không có bằng chứng nào chứng minh rằng việc đánh thuế nước ngọt sẽ giúp cho người Việt Nam có sức khỏe tốt hơn.

Ý kiến từ các chuyên gia, tổ chức

Theo báo cáo về các bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 40 quốc gia áp thuế đặc biệt đối với nước ngọt với mục tiêu giảm và ngăn ngừa các bệnh tiểu đường và béo phì. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách thuế này chưa được chứng minh ở bất kỳ quốc gia nào.

Số liệu của WHO cho thấy tỷ lệ người thừa cân, béo phì và tiểu đường ở các quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt trên nước ngọt không những không giảm mà còn tăng đều qua các năm.

Ví dụ, tại khu vực châu Á có 4 quốc gia đánh thuế với nước ngọt là Brunei, Campuchia, Lào và Thái Lan. Theo WHO, tỷ lệ béo phì ở độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi và độ tuổi từ 18 tuổi trở lên ở các nước này vẫn tăng liên tục trong 16 năm qua. Đặc biệt, Brunei và Thái Lan là hai quốc gia có tỷ lệ béo phì tăng nhanh và cao nhất trong khu vực.

Vì vậy, WHO đưa ra khuyến nghị không nên đánh thuế thực phẩm và đồ uống có đường.
Về vấn đề này, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho rằng hiện không có bằng chứng nào chứng minh rằng việc đánh thuế sẽ giúp cho người Việt Nam có sức khỏe tốt hơn, ngược lại có thể tạo ra các tác động tiêu cực tới ngành đồ uống.

Giải pháp nào là phù hợp?

Về vấn đề giải pháp, WHO đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể là, Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp cùng phối hợp tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất.

Những quốc gia có tỷ lệ người béo phì và tiểu đường tăng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore hay Úc, cũng đều không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường mà tập trung vào các chính sách và chương trình giáo dục về dinh dưỡng, rèn luyện thể lực và tăng cường vận động.


WHO khuyến nghị các chính phủ nên tăng tỷ lệ phân bổ ngân sách quốc gia cho hoạt động y tế, nâng cao sức khỏe, các chức năng y tế cộng đồng… đồng thời, thực hiện các biện pháp tài khóa với các cân nhắc dựa trên các bằng chứng đã được chứng minh đối với những sản phẩm không tốt cho sức khỏe.

Về phần mình, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ hơn sự cần thiết đưa nước ngọt vào hàng hóa tính thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như lý do cần thiết để hạn chế mặt hàng này.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường... Chỉ khi có những đánh giá đầy đủ trên, theo Bộ Kế hoạch, mới có căn cứ thuyết phục về việc áp thuế.

Huyền Trang