Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh
Việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia năm 2017 giúp doanh nghiệp tiết kiệm trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan và trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu.
Ngày 19/7, tại buổi họp báo chuyên đề về "Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại", Thứ trưởng Bộ Tài chính - Vũ Thị Mai cho biết, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo thuận lợi thương mại, đẩy nhanh tiến trình cải cách, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp.
Giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian
Theo thống kê, từ khi triển khai chính thức từ tháng 11/2014, đến ngày 10/6/2018, 11 Bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
Kết quả thực hiện cơ chế một cửa quốc gia chưa như mong đợi
14:27, 18/07/2018
Bộ GTVT: Triển khai 52 thủ tục cơ chế một cửa quốc gia
05:26, 22/06/2018
Chính phủ bàn giải pháp thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia
11:01, 13/04/2018
Việt Nam chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN vào năm 2018
13:04, 07/02/2018
Kiểm tra chất lượng qua cơ chế một cửa Quốc gia: “Thông dòng” xuất nhập khẩu
05:14, 29/10/2017
Cụ thể, Bộ Công Thương thực hiện 6 thủ tục; Bộ Khoa học và Công nghệ - 4 thủ tục; Bộ Giao thông vận tải - 12 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - 13 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường - 4 thủ tục; Bộ Thông tin và Truyền thông - 1 thủ tục; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - 1 thủ tục; Bộ Y tế - 5 thủ tục; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - 1 thủ tục; Bộ Quốc phòng - 3 thủ tục liên ngành đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; 3 thủ tục liên ngành (Tài chính, Giao thông Vận tải, Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; Tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).
Thông tin thêm tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho biết, được triển khai chính thức từ tháng 11/2014, đến ngày 15/7/2018, 11 Bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,34 triệu hồ sơ của 22.800 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Trong đó, riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị Hải quan trên phạm vi toàn quốc.
Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các Bộ, ngành.
Về Cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 10/06/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 04 nước nêu trên là 28.509 C/O, tổng số C/O gửi tới 04 nước là 14.392 C/O.
Thông tin thêm về nội dung này, ông Bình cho biết, Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Phillipines thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm C/O form D; Đồng thời phối hợp với Thái Lan, Indonesia và Malaysia thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN.
Không chỉ dừng lại trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư và chuẩn bị xây dựng hệ thống để kết nối và trao đổi thông tin với Liên minh kinh tế Á-Âu về tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); Đối với hàng nhập khẩu giảm 06 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 01 lô hàng giảm 19 USD.
Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 04 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu trong khu vực ASEAN.
Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Công Bình, việc triển khai NSW, ASW đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. "Điều này cho thấy lòng tin cũng như kỳ vọng rất cao của cộng đồng đối với sự cải cách về chính sách từ phía các cơ quan chính phủ", ông Bình nhận định.
Những kết quả này đã phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới nói chung và triển khai NSW, ASW nói riêng.