Gắn mào cho “taxi công nghệ” và tư duy làm luật thời 4.0
Theo các chuyên gia, việc ép taxi công nghệ gắn phù hiệu nhận diện theo như Dự thảo lần 4 Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, là… vô lý.
Những tranh cãi xung quanh câu chuyện quản lý các loại hình công nghệ thời 4.0 như thế nào cho đúng hiện vẫn chưa đến hồi chấm dứt. Đây thật sự là câu chuyện khiến giới chuyên gia cũng như người làm chính sách "đau đầu".
Có thể bạn quan tâm
“Siết hay mở” taxi công nghệ?
11:00, 08/07/2018
Taxi công nghệ có cần “mào”?
15:25, 17/07/2018
Kéo dài thời gian thí điểm taxi công nghệ Uber, Grab
06:00, 25/02/2018
Taxi công nghệ - dịch vụ hay vận tải?
17:59, 26/07/2017
Kéo taxi công nghệ về quản như taxi truyền thống?
Bộ Giao thông-Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo lần 4 Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo này là quy định áp dụng với các loại xe đang sử dụng hợp đồng điện tử, tính tiền thông qua phần mềm (xe Grab), có nội dung giống như taxi truyền thống. Cụ thể, xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “xe taxi” gắn trên kính xe và có hộp đèn với chữ "Taxi điện tử" gắn cố định trên nóc xe.
Quy định như trong dự thảo này khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên bởi tư duy làm luật không khác… 10 năm về trước. Nói như luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, việc ép phương tiện thời 4.0 gắn phù hiệu nhận diện là… vô lý.
“Mục đích của việc nhận diện phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của 3 đối tượng: Khách hàng, đơn vị quản lý thuế và lực lượng thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông. Về phía khách hàng, họ không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng. Việc gắn phù hiệu hay không cũng không có ý nghĩa gì đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là doanh nghiệp”, ông Đức phân tích.
Phải thừa nhận rằng, nỗ lực của Bộ GTVT trong 4-5 năm qua để đưa loại hình Uber, Grab vào khuôn khổ pháp lý là đáng ghi nhận. Nhưng, những quy định thừa này, trên thực tế lại xuất phát từ việc lúng túng trong định danh loại hình công nghệ thời 4.0 như Grab. Nói như Luật sư Trương Thanh Đức thì phải xác định đây không phải taxi truyền thống hay taxi công nghệ, cũng không đơn thuần chỉ là sự kết hợp của cả hai mà là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.
Từ đó, đưa ra những điều kiện, quy định mới nhằm phát huy những mặt tích cực mà loại hình kinh doanh này đem lại, tạo môi trường bình đẳng. "Nhưng như vậy không có nghĩa là kéo loại hình này về quản như taxi, áp theo khung quản lý cũ sẽ triệt tiêu hết những tiến bộ, lợi ích mà Grab đem lại cho người dùng”, ông Đức cho hay.
Thay đổi từ tư duy quản lý
Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải, Nguyễn Văn Thể tại buổi họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 mới đây đã khẳng định tinh thần tiến bộ của Bộ Giao thông là đơn giản hóa các thủ tục, những quy định không còn phù hợp phải bỏ và ngược lại. Đặc biệt, không được đưa vào các quy định mang tính hình thức.
Vị tư lệnh ngành giao thông khẳng định, rất khuyến khích phát triển phần mềm công nghệ, ứng dụng công nghệ trong quản lý. Đặc biệt, hiện nay xuất hiện một số công ty công nghệ sản xuất phần mềm để bán lại cho các doanh nghiệp.
Về phía Grab, ông Thể yêu cầu doanh nghiệp này cần có trách nhiệm với người lao động, vì hoạt động kinh doanh vận tải là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Do đó các quy định này cần được đưa vào để loại hình mới này có trách nhiệm với tài xế: "Với hành khách phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, nếu xảy ra vấn đề phải truy cứu được trách nhiệm, Nghị định sửa đổi phải thực hiện được việc này…", ông Thể chỉ đạo.
Mặt khác, dự thảo Nghị định khi ra đời cũng bảo đảm duy trì các mục tiêu, yêu cầu về chính sách quản lý nhà nước của các ngành, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật và có xem xét đến các yếu tố đặt thù của lĩnh vực.
Mục tiêu quan trọng và rõ ràng là thế, tuy vậy, theo các chuyên gia, những điều chỉnh về kỹ thuật đối với dự thảo nghị định ngày hôm nay, và các nghị định khác sau này có lẽ sẽ cần đến một tư duy khác, một cách nhìn khác, một cú hích khác. Đó là sự “sửa đổi, bổ sung” về tư duy quản lý các loại hình vận tải. Đành rằng, một văn bản khi ra đời có thể không thể làm thỏa mãn tất cả mọi đối tượng. Bởi trong hoạt động sản xuất kinh doanh thường có sự cạnh tranh, lợi ích của các đơn vị khác nhau, nhưng chí ít nó cũng phải đáp ứng được tiêu chí tạo sự thuận lợi trong kinh doanh cho các loại hình vận tải bằng cách cùng “cởi trói” cho các loại hình này chứ không phải là cùng “siết” các loại hình này vào một phương thức quản lý.
Hiện tại, việc lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 86 vẫn đang diễn ra. Nhưng sẽ thật khó để các nhà làm chính sách, các nhà làm luật, dư luận và người kinh doanh cùng nhìn về một hướng nếu tư duy quản lý các loại hình kinh doanh vận tải không đổi. Mà câu chuyện “gắn mào” cho taxi công nghệ chỉ là một ví dụ nhỏ, nhưng tiêu biểu mà thôi.