“Đau đầu” nạn chuyển giá: Do luật thiếu và yếu?
Nhiều chuyên gia khẳng định, hành lang pháp lý chống chuyển giá ở thời điểm hiện tại còn chưa đồng đồng bộ, chưa bịt kín được những lỗ hổng về chuyển giá.
Báo cáo của VCCI cho biết, mỗi năm có khoảng trên từ 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Nhận diện doanh nghiệp chuyển giá
05:10, 22/07/2018
Khởi nghiệp: Nghe chuyên gia ít thôi, hãy trải nghiệm thực tế
04:28, 17/07/2018
Chuyển giá - “hai mặt của đồng xu”
05:37, 14/07/2018
Hạn chế chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI
16:40, 06/07/2018
Nhiều doanh nghiệp nội có dấu hiệu chuyển giá
Tại một hội thảo về chuyển giá và công tác quản lý Nhà nước vừa diễn ra, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, các hình thức chuyển giá phổ biến hiện nay là đưa giá tài sản góp vốn cao hơn giá thị trường nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế trong tương lai; giá giao dịch không theo giá thị trường làm giảm nghĩa vụ thuế; các công ty có liên quan thỏa thuận giao dịch không theo giá thị trường nhằm làm đẹp giả tạo tình hình tài chính của nhau và làm thất thu thuế…
“Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco. Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành”, Tổng KTNN nói.
Bình luận về vấn đề này, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định, đấu tranh chống chuyển giá đã phức tạp, đấu tranh với những doanh nghiệp lớn càng khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Điều này là bởi vì các doanh nghiệp lớn luôn có tiềm lực tài chính và nhân lực rất mạnh. Họ có một đội ngũ chuyên gia cực kỳ am hiểu về kế toán, tài chính, thuế và luật để có thể tạo ra vô vàn các giao dịch liên kết phức tạp và lập nên các báo cáo tài chính rất công phu đủ che mắt các cơ quan thuế.
"Khi đối diện với các cuộc thanh tra thuế, họ có thể thuê các chuyên gia thuế với chi phí đắt đỏ để tranh luận với các nhân viên thuế địa phương và thường thì họ dành phần thắng. Ở Việt Nam, tình huống Coca-Cola, Pepsi, Adidas, Metro... đã cho thấy điều đó", ông Tuấn nói.
Ngoài vấn đề tiềm lực tài chính và nhân lực, vị chuyên gia cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam còn dành được sự quan tâm và ưu ái rất nhiều của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các tập đoàn này ít nhiều cũng bị trở ngại bởi các rào cản vô hình đó. Chỉ khi có những bằng chứng khá rõ ràng, có cơ sở và vấn đề đủ nghiêm trọng thì cơ quan thuế mới có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra, song tất cả đều phải lên kế hoạch cẩn trọng, cụ thể và phải báo trước.
"Trên phương diện thuế khóa, không phải tập đoàn nào cũng có động cơ tuân thủ tốt mọi nghĩa vụ thuế với nhà nước. Sự quan tâm của Chính phủ hay chính quyền địa phương đối với các tập đoàn lớn là cần thiết nhưng sự ưu ái và dễ dãi quá mức đôi khi cũng khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các tập đoàn này cũng gặp ít nhiều khó khăn và thách thức vô hình", ông Tuấn thông tin thêm.
Đáng lưu ý, theo quan điểm của ông Tuấn ngoài các công ty đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam, chuyển giá cũng không phải là vấn đề xa lạ với các doanh nghiệp trong nước, cả doanh nghiệp nhỏ lẫn doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực. Việc đấu tranh với các doanh nghiệp này cũng gặp không ít các khó khăn và thách thức so với các doanh nghiệp FDI.
Cần có Luật Chống chuyển giá
Ở một góc nhìn khác, cũng lý giải nguyên nhân của tình trạng này, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính khẳng định hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay chưa hoàn thiện, các văn bản luật chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng.
“Ví dụ như chưa có quy định rõ ràng về các khoản chi ngân sách phục vụ chống chuyển giá (chi phí để mua thông tin, chi phí điều tra, xác minh...). Chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan (công an, tham tán kinh tế) để giúp ngành thuế thu thập thông tin phục vụ công tác chống chuyển giá…”, ông Trường nói.
Bên cạnh đó, theo ông Trường, cơ quan thuế chưa được giao thẩm quyền điều tra về thuế nên rất khó khăn trong đấu tranh chống chuyển giá. Thêm vào đó, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ về người nộp thuế nói chung và phục vụ cho hoạt động chống chuyển giá nói riêng.
Về vấn đề này, TS Đặng Văn Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước, qua phân tích số liệu kê khai quyết toán thuế của các doanh nghiệp FDI, có thể thấy các doanh nghiệp kê khai lỗ đều có dấu hiệu chuyển giá.
Do đó, về lâu dài, cần xây dựng Luật Chống chuyển giá – đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động chống chuyển giá. Việc này không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên... đồng thời sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan.
Cùng với đó là hình thành cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp Trung ương nhằm chỉ đạo thực hiện thông suốt công tác chống chuyển giá ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề về thông tin ở tầm quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm thu đúng, thu đủ các khoản thu của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước.
Một điều quan trọng nữa là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá. Trước mắt cần bổ sung một điều luật về chống chuyển giá vào Luật Quản lý thuế, tạo cơ sở pháp lý ở cấp độ cao cho hoạt động chống chuyển giá.
Có quy định pháp lý cụ thể về các khoản chi từ ngân sách nhà nước phục vụ công tác chống chuyển giá (chi phí để mua thông tin, chi phí điều tra, xác minh...).
Quy định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá. Đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nhằm thu thập đầy đủ và kịp thời thông tin, dữ liệu về người nộp thuế.
“Thực tiễn cho thấy muốn xác định giá chuyển giao theo các nguyên tắc chống chuyển giá mà pháp luật quy định thì phải thu thập đầy đủ thông tin, nếu không có thông tin thì không thể xác định được giá chuyển giao”, ông Hải nêu.
Cùng với đó là phải có biện pháp, chế tài đủ mạnh để xử lý đối với hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế.
“Pháp luật của các nước trong khu vực đều quy định các biện pháp, chế tài mạnh đối với hành vi chuyển giá, như: Singapore quy định mức phạt chung cho các vi phạm về thuế nằm từ khoảng 100% đến 400% khoản thuế phải trả; Indonesia áp dụng mức phạt từ 2% đến 48% một tháng tính trên số thuế nộp thiếu bị phát hiện do gian lận qua chuyển giá; Malaysia quy định mức phat dao động từ 100 - 300% số thuế bị phát hiện gian lận.
Đồng thời, ông Hải cho rằng cần công khai danh tính những doanh nghiệp thực hiện chuyển giá chiếm đoạt tiền thuế nhà nước”, ông Hải khẳng định.