Thương hiệu Việt không dễ bị "vấy bẩn"
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, vấn đề nằm đằng sau câu chuyện Khaisilk, Con Cưng... không đơn thuần chỉ là câu chuyện hàng có nguồn gốc xuất xứ.
- Nhưng trên thực tế, không chỉ có Khaisilk, Con Cưng... việc hàng Trung Quốc trà trộn, thậm chí “lấn át” hàng Việt là điều khá phổ biến, thưa ông?
Trước tiên, tôi muốn nói đến vụ việc Khaisilk thừa nhận nhập hàng Trung Quốc rồi gắn mác Việt Nam, việc ông Hoàng Khải lý giải rằng chỉ nghĩ đơn giản là các thương hiệu nổi tiếng như Zara, H&M, Gucci… đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ cho thấy, đây là nhận thức hết sức ấu trĩ về thương hiệu rất đáng tiếc mà một doanh nhân có uy tín cần phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình với đất nước.
Trong chuỗi giá trị toàn cầu, việc doanh nghiệp gia công ở một nước thứ 3 là một việc hết sức bình thường, doanh nghiệp không nên giấu giếm vấn đề này vì giấu giếm là gian lận. Tuy nhiên, nguyên tắc kinh doanh quốc tế hiện nay đã quy định, sản phẩm sản xuất ở đâu là phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ ở đó. Tôi lấy ví dụ đơn cửa như các nhãn hàng quốc tế như Apple, Nike, Adidas, Zara, H&M, Gucci… đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc thì khi ra, sản phẩm vẫn mang thương hiệu của họ nhưng vẫn gắn mác ghi rõ nguồn gốc xuất xứ là “Made in China”. Điều này cũng không gây ảnh hưởng gì cả, vì trong chiến lược doanh nghiệp sẽ biết cách phải nội địa hoá phân đoạn nào và tỷ lệ bao nhiêu.
Đằng này, đại diện của hàng Khaisilk lại nói chiếc khăn gắn cùng lúc 2 mác đó là của đơn hàng do Khaisilk đang sản xuất 350 chiếc cho khách hàng Design GO tại Hong Kong, may riêng nhãn mác "Made in China" theo yêu cầu của khách là hoàn toàn sai luật.
Gần đây trong vụ việc đang nổi bật đó là chuỗi cửa hàng Con Cưng, hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất thì doanh nghiệp này đã treo thưởng 1 tỷ đồng cho ai có thể tìm và phát hiện ra sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều này, cho thấy mong muốn làm ăn minh bạch hóa của doanh nghiệp này, bản chất có thể khác với sự việc Khaisilk.
Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề nằm đằng sau những câu chuyện này không đơn thuần chỉ là câu chuyện hàng có nguồn gốc xuất xứ ở đâu mà nó còn là vai trò của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát các nguồn hàng thương mại, các loại hàng hóa kém chất lượng, vi phạm nhãn mác, xuất xứ… để tránh tình trạng doanh nghiệp làm ăn chân chính bị “vạ lây” bởi các doanh nghiệp làm ăn chụp giật.
-Thời gian gần đây, các thương hiệu Việt lớn như Con Cưng, Khaisilk liên tục gặp phải những vụ bê bối lớn, theo ông, việc này sẽ làm ảnh hưởng như thế nào tới giá trị các Thương hiệu Việt?
Nhiều người cho rằng những vụ việc như thế này sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị của các Thương hiệu Việt nhưng ở vấn đề này, tôi có cách tiếp cận hoàn toàn khác. Tôi cho rằng, chúng ta phải bảo vệ giá trị của các Thương hiệu Việt nhưng đó phải là ‘giá trị thật’ chứ không phải là giá trị được xây dựng dựa trên những hàng hóa được “gắn một nhãn mác khác” bằng sự gian lận.
Ví như trong vụ Khaisilk chẳng hạn, thứ mà chúng ta phải bảo vệ không phải là thương hiệu Khaisilk mà là các thương hiệu như lụa Vạn Phúc, đây mới là những giá trị thật mà chúng ta phải bảo vệ. Trong tâm trí của tôi và nhiều người, giờ đây Khaisilk không còn là "Thương hiệu Việt" nữa rồi.
Những năm gần đây, chúng ta đã có rất nhiều thương hiệu Việt có giá trị như trong lĩnh vực hàng không chúng ta có Vietjet, trong lĩnh vực rượu bia chúng ta có Sabeco, lĩnh vực công nghệ thông tin chúng ta có Viettel… đây là những thương hiệu lớn có giá trị.
- Trong bối cảnh các thương hiệu Việt lớn có sức ảnh hưởng liên tục gặp bê bối thì các doanh nghiệp cần phải làm gì để có thể tạo dựng được uy tín trong lòng người tiêu dùng?
Có 4 cách để có thể tạo dựng được thương hiệu Việt, để thương hiệu Việt có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng: sản phẩm và giá bán; hệ thống phân phối và hình ảnh thương hiệu ở tầm quốc tế trong bối cảnh hội nhập.
Ở cặp chiến lược thứ nhất thì chúng ta phải đảm bảo có được chất lượng tốt, giá cả hợp lý cho từng phân khúc. Cần lưu ý là chất lượng đi đôi với giá bán, và chất lượng còn được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả chất lượng lý tính và cảm tính, cảm xúc (kiểu dáng, phong cách, sự tinh tế…), vì cùng một chiếc túi xách, như khi được thổi hồn cảm xúc, phong cách tạo ra thương hiệu túi xách có mức giá cao gấp 5-10 lần giá thành, đó là điều phổ biến trong kinh doanh & marketing quốc tế mà doanh nghiệp Việt cần thấu hiểu và quyết tâm thực hiện.
Về giá cả thì nó phải là phù hợp với phân khúc người tiêu dùng, câu chuyện đắt hay rẻ không quan trọng mà nó phải phù hợp với từng nhóm người tiêu dùng. Nếu như bạn làm thương hiệu tốt thì một chiếc túi xách bạn có thể bán được chúng với giá 50 hay 100 USD cũng là chuyện bình thường.
- Nhiều ý kiến cho rằng, việc nắm rõ quy trình, nguồn gốc hàng hoá là điều không dễ dàng nhưng việc nắm bắt và tuân thủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa sẽ là một trong các cách thức cơ bản và hữu hiệu nhất để doanh nghiệp tin tưởng vào xuất xứ hàng hóa? Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng câu chuyên này phải đến từ hai phía, ở phía nhà nước thì cơ quan chức năng phải kiểm soát tốt chất lượng xuất xứ hàng hóa.
Về phía doanh nghiệp thì doanh nghiệp, khi gia công hàng ở một nước thứ ba, theo quy định phải công khai xuất xứ hàng hóa chứ không nên nhập nhèm xuất xứ hàng hóa.
- Với những doanh nghiệp từng gặp phải những vụ việc liên quan đến sự nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ như Con Cưng thì doanh nghiệp Việt, có cách nào khôi phục lại uy tín của các thương hiệu này không, thưa ông?
Đầu tiên là sự công khai minh bạch của cơ quan chức năng. Nếu cơ quan chức năng có sai thì phải công bố để đính chính cần được xem là bình thường. Phía báo chí truyền thông cũng cần rất tỉnh tảo để tìm hiểu kỹ, với phân tích của giới chuyên môn. Doanh nghiệp cũng phải nhanh nhạy và quyết tâm tự bảo vệ mình. Nói nôm na trong đời đại ngày nay không dùng phương châm là ‘tốt gỗ và tốt cả nước sơn’ vì đã qua rồi thời kỳ kinh tế bao cấp, việc gì cũng chờ đợi nhà nước, mọi việc phải tôn trọng luật pháp để từ đó tạo ra sự năng động cho mỗi doanh nghiệp trong môi trường pháp luật nghiêm minh và công bằng.
Doanh nghiệp cần các lập quan điểm thấu đáo về thương hiệu, chính thương hiệu là sự tích hợp và tích luỹ giá trị. Một khi có sản phẩm tốt đừng vội vàng tự thoả mãn hay tự kiêu mà hãy tích luỹ thành giá trị thương hiệu, đó được xem là một dạng nguồn vốn vô hình nhưng thật sự hiện hữu. Con đường xây dựng thương hiệu là bền bỉ lâu dài nhưng sẽ bảo đảm sự bền vững và lan toả mạnh mẽ, rồi đến một lúc nó sẽ vươn ra thế giới… góp phần khẳng định vị thế kinh tế của quốc gia cũng như đóng góp chung cho cộng đồng với nhiều dạng thức khác nhau…
- Xin cảm ơn ông!