Lần thứ tư xét xử “kỳ án” vụ buôn gỗ trắc lớn nhất Miền Trung: Các bị cáo tiếp tục kêu oan
Ngày 14/8, TAND TP Đà Nẵng đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “ buôn lậu gỗ trắc” lớn nhất Miền Trung, dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 8 ngày.
Đây là lần thứ tư TAND TP.Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung và nhiều lần tạm hoãn phiên tòa vì nhiều lý do. Vụ án Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (Cty Ngọc Hưng - có trụ sở tại tỉnh Quảng Trị) đã kéo hơn 6 năm với 2 doanh nhân, 3 cán bộ công chức Hải quan của tỉnh Quảng Trị và Đà Nẵng bị khởi tố. Điều mà dư luận quan tâm là trong lúc vụ án đang trong quá trình điều tra thì tang vật của vụ án là hơn 535 m3 gỗ trắc đã được mang ra bán đấu giá chỉ với mức giá hơn 63 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị thật của lô gỗ này theo định giá của giới chuyên kinh doanh mặt hàng này. Liên quan đến vụ án này, một nhân viên của Cty Ngọc Hưng đã tự tử và để lại thư tuyệt mệnh cho rằng không chịu được sức ép vì liên tục bị cơ quan điều tra triệu tập.
Theo bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), do Phó Viện trưởng Trần Công Phàn ký ngày 14/5/2018, truy tố hai vợ chồng ông Trương Huy Liệu, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Ngọc Hưng và bà Trần Thị Dung (vợ ông Liệu), Giám đốc Công ty Ngọc Hưng về tội buôn lậu theo điều 188 BLHS 2015; các bị cáo Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành ( nguyên cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cửa Việt - Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị) và Đỗ Danh Thắng (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng - Cục Hải quan TP Đà Nẵng) bị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 BLHS 1999.
Có thể bạn quan tâm
Kiên quyết không có “vùng cấm” trong phòng, chống buôn lậu
08:02, 13/02/2018
Xử lý người đứng đầu nếu để buôn lậu, hàng giả lộng hành
19:05, 09/08/2017
Hải quan bắt giữ, xử lý 15.489 vụ buôn lậu, gian lận thương mại
15:24, 29/12/2016
Theo cáo trạng, Cty Ngọc Hưng nhận lô gỗ chở trong 13 xe từ Lào tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Sau khi làm thủ tục khai báo hải quan và đóng thuế, Công ty tiếp tục vận chuyển lô gỗ trắc hơn 530 m3 này về cảng Cửa Việt làm thủ tục xuất sang Hồng Kông (Trung Quốc)
Hai ngày sau, Cty Ngọc Hưng xếp lô gỗ này vào 22 container đưa vào cảng Đà Nẵng để xếp xuống tàu chờ thủ tục xuất cảng. Tại đây, toàn bộ lô gỗ bị Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thu giữ.
Sau đó, Cục điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an. Bản thân ông Liệu bị khởi tố và bị cơ quan CSĐT bắt tạm giam về hành vi “buôn lậu”. Hơn 1 năm bị bắt giam, ông Liệu mới được cho tại ngoại. 2 Cán bộ Hải quan có liên quan cũng bị bắt tạm giam điều tra gần 5 tháng.
Theo Cáo trạng do đại diện VKS đọc tại phiên tòa: “ông Trương Huy Liệu chỉ đạo nhân viên Cty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ, tài liệu, sau đó sử dụng bộ hồ sơ này để nhập khẩu, xuất khẩu 614,672 m3 gỗ không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật, trị giá 63.619.706.500 đồng”.
Bà Trần Thị Dung với vai trò là Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty đã có hành vi ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục nhập khẩu, giúp sức cho chồng thực hiện hành vi buôn lậu.
Riêng các bị cáo khác như ông Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành được giao nhiệm vụ kiểm hoá lô hàng xuất khẩu “đã không làm đầy đủ trách nhiệm được giao”; ông Đỗ Danh Thắng cũng “không làm hết trách nhiệm” gây thất thu,thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền thuế Cty Ngọc Hưng không nộp hơn 1,8 tỷ đồng nên cả ba đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Trong phần trả lời HĐXX trong phần xét hỏi tại phiên tòa, ông Trương Huy Liệu tiếp tục kiêu oan vì cho rằng Cty Ngọc Hưng mua gỗ bên Lào và chuyển về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo là đúng quy định pháp luật, chứng từ mua gỗ từ đối tác bên Lào được thực hiện bằng pháp nhân của doanh nghiệp do chính vợ ông-người đại diện pháp luật của công ty ký tên đóng dấu thì không phải là giả. Việc Công ty Ngọc Hưng không chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản công ty cung cấp gỗ bên Lào mà phải chuyển vào tài khoản của người thân có tài khoản ở chi nhánh Ngân hàng Việt Nam ở Lào và sau đó nhờ người đó thanh toán cho đối tác bên Lào là do yêu cầu của đối tác và sự án toàn trong thanh toán của Công ty Ngọc Hưng, xét thấy điều này cũng bình thường trong giao dịch thương mại qua biên giới, pháp luật cũng không cấm.
Ngày 15/8, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo để làm rõ thêm các vấn đề về khối lượng, chủng loại gỗ và cách tính thuế cho lô hàng này, Báo DĐDN sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.