Kỳ án “buôn lậu” gỗ trắc lớn nhất Miền Trung: Nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ
Ngày 20/8, phiên tòa xét xử vụ “buôn lậu” lớn nhất Miền Trung đã bước sang phần tranh luận, các luật sư bào chữa đã nêu rõ nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ.
Nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ
“Doanh nghiệp Ngọc Hưng đang đứng trên bờ vực phá sản, vợ chồng chủ doanh nghiệp: Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung đã phải chịu hai đại tang của người thân. Người con của Lê Xuân Thành lẽ ra được tuyển chọn vào ngành Công an nhưng đã phải từ bỏ mơ ước của mình vì cha đã vướng vào vòng lao lý. Đỗ Lý Nhi-cháu bà mẹ Việt Nam Anh hùng phải xấu hổ với mẹ mình, bạn bè, người thân vì dính đến vụ án này. Ông Đỗ Danh Thắng nghỉ hưu mấy năm mà chưa được giải quyết chế độ. Thực trạng trên đòi hỏi luật sư chúng tôi cũng như HĐXX, bằng lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp phải làm hết sức mình để công lý được sáng tỏ, nếu họ bị oan, cần phải được giải oan”. Luật sư Nguyễn Trường Thành, Đoàn luật sư TP.Cần Thơ bào chữa cho bị cáo Lê Xuân Thành, Đỗ Lý Nhi đã bắt đầu bài bào chữa cho các bị cáo như vậy.
Luật sư Thành nêu quan điểm: Kết quả thẩm vấn tại phiên tòa xác định được rằng toàn bộ 85 mẫu vật lấy mẫu để giám định chủng loại gỗ theo biên bản ngày 13/01/2012, hiện tại chưa đưa được đưa ra đối chứng tại Tòa, ai đang giữ các vật chứng này? Đặc biệt, theo văn bản số 29/STTNSV ngày 17/01/2012 của Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật gửi Cục điều tra Chống buôn lậu, xác định 16 mẫu vật gửi giám định có 9 mẫu là gỗ giáng hương và Cục điều tra Chống buôn lậu lấy làm căn cứ để khởi tố vụ án. Cơ quan điều tra cũng căn cứ vào kết quả này để đề nghị truy tố. VKSNDTC cũng căn cứ vào kết luận này để truy tố các bị cáo ra Tòa hôm nay. Vậy 9 mẫu gỗ được xác định là giáng hương hiện tại đang nằm ở đâu, tại sao không thu hồi để làm căn cứ đối chiếu.
Có thể bạn quan tâm
Kỳ án buôn lậu gỗ trắc lớn nhất Miền Trung: Chứng cứ buộc tội chưa thuyết phục
20:50, 15/08/2018
Chi cục kiểm lâm Hải Phòng bắt giữ xe gỗ lậu khối lượng lớn
10:32, 14/03/2018
Theo Hải quan tỉnh Quảng Trị xác nhận tại Tòa trong thời gian Cty Ngọc Hưng nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam thì hàng chục công ty khác cũng nhập với khối lượng lên đến gần 1 triệu m3. Ngay trong ngày Cty Ngọc Hưng nhập khẩu lô gỗ bị truy tố thì có đến 19 DN khác cũng sử dụng hồ sơ nhập khẩu tương tự Cty Ngọc Hưng. Chi cục Hải quan Lao Bảo xác nhận điều này và sẵn sàng cung cấp hồ sơ nếu cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu. Tại sao Cơ quan điều tra-Bộ Công an và VKSNDTC không thu thập các tài liệu này? Tại sao chỉ có Cty Ngọc Hưng bị truy tố? đó là hai câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Trương Huy Liệu cho biết theo quy định tại thời điểm đó doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Lào được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0, thuế giá trị gia tăng 10%. Nếu lô hàng này được xuất khẩu sang nước thứ 3 thì sẽ được hưởng chính sách thuế xuất khẩu bằng 0 và được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào. Điều này phù hợp với văn bản số 1374/TCHQ-TXNK ngày 21/03/2012 của Tổng cục Hải quan gửi trả lời Hải quan Quảng Trị về xử lý thuế. Đồng thời, phù hợp với khoản 8, điều 13, Thông tư 194/2010/TT-BTC, ngày 6/12/2010 của Bộ Tài chính. Do vậy, doanh nghiệp kê khai sai, ít hơn để làm gì?
Luật sư Nguyễn Trường Thành đề nghị giám định lại các mẫu vật chứng để làm sáng tỏ vụ án.Có dấu hiệu hình sự hóa hành vi hành chính
Luật sư Đỗ Ngọc Quang, Đoàn luật sư Hà Nội (bào chữa cho bị cáo Trương Huy Liệu) đã đưa ra 10 vấn đề cần làm rõ tại phiên tòa, đó là:
Về căn cứ khởi tố vụ án chưa đúng quy định pháp luật, vì gỗ không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu và lô gỗ này đi bằng “cửa chính” có khai báo Hải quan đàng hoàng thì không thể nói là nhập lậu được.
Về việc cáo trạng quy kết cho doanh nghiệp Ngọc Hưng làm hồ sơ giả nhưng không chỉ ra được văn bản nào là giả. Dùng kết quả tương trợ tư pháp năm 2017 để chứng minh cho sự việc xảy ra cho năm 2011 là không thể chấp nhận được. Việc cử điều tra viên thu thập chứng cứ tại Lào đã vi phạm không gian trong tố tụng hình sự vì thu thập chứng cứ ngoài lãnh thổ Việt Nam theo Điều 2 BLTTHS.
Bên cạnh đó các cơ quan tố tụng cũng vi phạm trong thu giữ, bảo quản vật chứng và bán vật chứng không đúng quy định, công tác đấu giá không công khai minh bạch; có dấu hiệu bức cung, nhục hình khi lấy lời khai người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án là Trần Đình Quang (cháu của bị cáo Dung).
Luật sư Trường Thành cho rằng việc bán vật chứng không đúng quy định là hành vi xâm phạm vật chứng cần được xử lý. Luật sư Thành đề nghị HĐXX căn cứ Điều 18, 153, 326 BLTTHS 2015: Khởi tố vụ án về việc xâm phạm vật chứng để Cơ quan điều tra, VKSNDTC tiến hành điều tra. Trường hợp không thể khởi tố tại Tòa thì đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra, VKSNDTC khởi tố vụ án để điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Tại phiên tranh luận, Luật sư Thành cũng đã cung cấp cho HĐXX công văn số 6883/TCHQ-GSQL ngày 15/11/2013 của Tổng cục Hải quan gửi Cổng thông tin điện tử Chính phủ-Văn phòng Chính phủ đã trả lời như sau:
"Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có nguồn gốc từ lô hàng gỗ mà doanh nghiệp đã nhập khẩu hợp pháp không vi phạm chính sách mặt hàng:
Trường hợp doanh nghiệp không khai, hoặc khai sai về số lượng, trọng lượng, chất lượng dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn giảm, được hoàn, không thu thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định, tùy trường hợp, người nộp thuế còn bị phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn không thu khai tăng theo điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2017 (đã được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/02/2009) hoặc bị phạt tiền một lần số thuế trốn, gian lận theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 Nghị định 97/2007/NĐ-CP (đã được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/02/2009)". Như vậy, nếu có hành vi kê khai thiếu thì doanh nghiệp Ngọc Hưng cũng chỉ chịu xử phạt về vi phạm hành chính chứ không thể là hành vi phạm tội.
Đối chiếu hai văn bản nêu trên của Tổng cục Hải quan đã kết luận được rằng: Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSNDTC đã hình sự hóa những vi phạm về hành chính của doanh nghiệp trong việc nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam và xuất khẩu sang nước thứ 3. Điều này, phù hợp với văn bản 231 của C46 (P10) ngày 6/6/2012 gửi Tổng cục Hải quan và Văn bản số 1237 C46 (P10) ngày 31/7/2015 của Cục cảnh sát Kinh tế Bộ Công an gửi Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Cả hai văn bản này đều xác định: “Cty Ngọc Hưng nếu có hành vi khai báo không đúng về số lượng chủng loại gỗ so với thực tế xuất khẩu theo quy định về trách nhiệm của người khai báo quy định tại Điều 23 Luật Hải quan, nhưng những sai phạm này không trái với quy định Nhà nước về công tác quản lý xuất nhập khẩu những sản phẩm này”. Do vậy, chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu quy định tại Điều 153 BLHS nước CHXHCN Việt Nam mặc dầu lô hàng đã được thông quan.
Từ những cơ sở trên các luật sư bào chữa cho rằng các bị cáo bị truy tố về “tội buôn lậu”, cũng như các bị cáo bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là oan, nên đề nghị Tòa tuyên bố Vô tội-khôi phục quyền hợp pháp theo quy định pháp luật cho các bị cáo.