Mua bán nợ có cần điều kiện kinh doanh?

Minh Vân 21/08/2018 11:02

Theo VCCI, trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, ban soạn thảo nên bỏ hoàn toàn điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ mua bán nợ.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản trả lời Công văn số 4982/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ: Đánh đố doanh nghiệp

    11:03, 11/08/2018

  • Bao giờ mới có thị trường mua bán nợ?

    14:00, 22/07/2018

  • Cần có thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh

    06:10, 30/12/2017

  • Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam

    19:55, 10/10/2017

  • Kinh doanh dịch vụ sàn mua bán nợ phải đáp ứng những điều kiện gì?

    05:20, 05/06/2017

Tại thời điểm xây dựng Nghị định 69/2016/NĐ-CP, VCCI đã nhiều lần có ý kiến về việc không nên xác định dịch vụ mua bán nợ là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, bởi vì:

Theo khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2014 thì điều kiện kinh doanh được áp dụng đối với các ngành nghề nhất định “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

Nhưng đối với “dịch vụ mua bán nợ”, theo VCCI ban soạn thảo chưa chỉ ra được mối liên quan nào giữa hoạt động kinh doanh này với những mục tiêu công cộng cần phải bảo vệ thông qua các điều kiện kinh doanh như liệt kê tại Luật Đầu tư.

Theo VCCI, trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, ban soạn thảo nên bỏ hoàn toàn điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ mua bán nợ.

Ảnh minh họa

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 thì doanh nghiệp muốn kinh doanh vào lĩnh vực này phải có “có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng”. “Đây là cản trở rất lớn đối với các doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực này”, VCCI nói.

Bình luận về vấn đề này, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dịch vụ mua bán nợ không thuộc những trường hợp này để áp điều kiện kinh doanh.

“Mua bán nợ thực chất là mua bán quyền đòi nợ - một quyền tài sản được Bộ luật Dân sự quy định. Điều đó có nghĩa là mua bán nợ cũng là một loại giao dịch dân sự được phép thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Để áp điều kiện kinh doanh thì phải xem xét những lý do được quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư là “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng””, ông Vũ lập luận.

Hơn nữa, theo quan điểm của ông Vũ thực tế cho thấy việc xử lý nợ xấu của doanh nghiệp bằng con đường tố tụng là rất khó khăn và mất nhiều thời gian nên nếu có thể khuyến khích việc mua bán nợ để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp thì giúp cho doanh nghiệp có thêm cơ chế để xử lý nợ xấu.

“Do đó, tôi cho rằng cần xem xét bỏ điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ mua bán nợ. Trường hợp cơ quan chức năng vẫn tiếp tục duy trì điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề này thì cần giảm bớt điều kiện kinh doanh.

Chẳng hạn điều kiện về vốn pháp định 100 tỉ đồng là quá cao, là rào cản quá lớn để doanh nghiệp có thể gia nhập thị trường; điều kiện về người quản lý phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận; có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định giá tài sản hoặc mua bán nợ cũng không thật sự cần thiết”, ông Vũ nói.

Minh Vân