Tác động của chống chuyển giá đối với nền kinh tế

Ths. Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng, KTNN Khu vực XII 24/08/2018 15:15

Chuyển giá tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế.

Bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, khu vực FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực, nổi bật là hoạt động chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách. Chuyển giá đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến chính sách quản lý và điều hành nền kinh tế của Chính phủ.

Chuyển giá được hiểu là một hoạt động được sắp đặt trước bởi các chủ thể kinh doanh có mối quan hệ liên kết nhằm thay đổi mức giá trong quan hệ mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, vốn, tài sản... tạo ra sự khác biệt so với giá thị trường, nhằm tối đa hóa lợi nhuận của cả một nhóm có quan hệ liên kết, trên cơ sở giảm thiểu nghĩa vụ về thuế.

Có thể bạn quan tâm

  • “Vốn mỏng” để chống chuyển giá

    06:19, 29/07/2018

  • Công cụ mới chống chuyển giá

    06:06, 05/06/2017

  • Thiếu thời gian thanh tra chống chuyển giá

    07:10, 21/10/2017

  • Hành lang pháp lý chống chuyển giá, Nghị định và hơn thế nữa

    14:31, 03/03/2017

Tác động của chuyển giá đối với nền kinh tế

Nếu như chuyển giá giữa các công ty liên kết có tác động chính đến thu ngân sách nhà nước (NSNN), thì việc chuyển giá từ doanh nghiệp FDI có tác động rộng lớn hơn đối với nền kinh tế, chủ yếu là kinh tế của nước nhận vốn FDI. Các tác động chính của chuyển giá tới nền kinh tế của nước nhận vốn FDI bao gồm:

Chuyển giá được hiểu là một hoạt động được sắp đặt trước bởi các chủ thể kinh doanh có mối quan hệ liên kết nhằm thay đổi mức giá trong quan hệ mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, vốn, tài sản... tạo ra sự khác biệt so với giá thị trường, nhằm tối đa hóa lợi nhuận của cả một nhóm có quan hệ liên kết, trên cơ sở giảm thiểu nghĩa vụ về thuế.

Chuyển giá đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến chính sách quản lý và điều hành nền kinh tế của Chính phủ. (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, Làm thất thu NSNN từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Quy mô các khoản thu ngân sách nhà nước này không nhỏ khi các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện nay đã chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, trong tổng kim ngạch nhập khẩu và trong tổng thu ngân sách nhà nước. Không chỉ trốn thuế, các doanh nghiệp FDI dưới hình thức công ty liên doanh còn chiếm đoạt cả vốn và lợi nhuận của phía đối tác trong nước chuyển ra nước ngoài, từ đó tạo ra dòng chảy vốn ngược trở về nước đã xuất khẩu FDI.

Thứ hai, Gây ra tình trạng lỗ giả. Chuyển giá đối với máy móc, thiết bị đầu tư hoặc góp vốn liên doanh và chuyển giá qua việc công ty mẹ ở nước ngoài cung cấp nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phụ tùng… cho công ty con tại Việt Nam với giá cao, làm cho giá trị vốn đầu tư, giá trị vốn góp tăng cao, dẫn tới thu hồi vốn khống (qua khấu hao), khiến cho doanh nghiệp FDI bị thua lỗ giả tạo trốn thuế. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI thường mua máy móc thiết bị cũ, lạc hậu nhằm thực hiện chuyển giá dễ dàng hơn (khi so sánh với máy móc hiện đại thì giá có vẻ thấp hơn, nhưng thực tế so giá trị thật của những thiết bị lạc hậu này thì giá mua lại quá cao). Việc nhập khẩu các máy móc công nghệ cũ, lạc hậu làm cho trình độ phát triển của nền kinh tế đi ngang hoặc đi xuống, sau khi doanh nghiệp FDI kết thúc hoạt động, chuyển giao lại cho Việt Nam thì chỉ còn giá trị là rác thải.   

Những hoạt động chuyển giá nêu trên là nguyên nhân chính làm sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn nói chung, sử dụng vốn FDI nói riêng, khiến cho ICOR của khu vực FDI rất cao, làm cho hệ số ICOR của cả nền kinh tế tăng cao không hợp lý, làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, Tác động đến mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu ở trong nước.

Đầu tư FDI một mặt góp phần tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có chất lượng cao. Tuy nhiên, do chuyển giá nên thị trường trong nước, cả thị trường tư liệu sản xuất và thị trường tư liệu tiêu dùng, đều phải chịu mức giá cao bất hợp lý, thậm chí có một số hàng hoá, dịch vụ có mức giá tại Việt Nam còn cao hơn nhiều so với tại các nước trong khu vực. Mặt khác, giá nhập khẩu cao do chuyển giá còn hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước có sử dụng các nguồn nguyên liệu bị chuyển giá so với các doanh nghiệp nước ngoài. Mặt dù kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh, song kim ngạch nhập khẩu cũng tăng không kém, từ đó tác động tiêu cực đến cán cân thương mại và cán cân vãng lai của Việt Nam.

Thứ tư, Tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp trong nước.

Do chuyển giá là cách thức nhanh nhất để đạt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, giảm số nộp NSNN, nên các doanh nghiệp FDI không quan tâm khai thác, sử dụng các các yếu tố đầu vào từ thị trường trong nước, mà duy trì sử dụng nguồn nhập khẩu. Nói cách khác, doanh nghiệp FDI phát triển, nhưng không kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp trong nước. Công nghiệp phụ trợ không phát triển theo các hoạt động đầu tư nước ngoài, mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp không đạt được (như công nghiệp ô tô, điện tử, cơ khí…). Ngược lại, nhiều trường hợp doanh nghiệp FDI còn chèn ép các doanh nghiệp trong nước khi kinh doanh trong cùng ngành nghề.

Các giải pháp chống chuyển giá ở Việt Nam

Thứ nhất, Về cơ sở pháp lý, cần xây dựng Luật Chống chuyển giá riêng, đồng thời sửa đổi Luật Quản lý thuế, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Thanh tra theo hướng bổ sung thêm chức năng kiểm toán, thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước của người nộp thuế/doanh nghiệp cho cơ quan Kiểm toán nhà nước cũng như các cơ quan thanh tra của Nhà nước.

Thứ hai, Quy định rõ chức năng xác định mức giá thị trường của một sản phẩm cho một cơ quan chuyên trách của Nhà nước để cung cấp căn cứ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá. Ngành Thuế cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp độc lập theo từng ngành, nghề có rủi ro cao về chuyển giá, làm cơ sở chung cho việc phân tích rủi ro và đấu tranh chống chuyển giá.

Thứ ba, Quốc hội và Chính phủ cần rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương, chống chuyển giá giữa các doanh nghiệp liên kết trong nước.

Thứ tư, Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp.

Thứ năm, Trong khi việc áp dụng cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) còn những khó khăn nhất định (do APA áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, cơ quan thuế không thể ép doanh nghiệp phải thực hiện), cần đẩy mạnh việc áp dụng biện pháp chống chuyển giá bằng phương pháp định giá chuyển giao, trên cơ sở thu thập thông tin về giá thị trường và sử dụng quyền ấn định giá của cơ quan Thuế.

Thứ sáu, Cần sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt đối với hành vi chuyển giá so với quy định hiện tại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Ths. Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng, KTNN Khu vực XII