“Dẹp loạn” xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

Thy Hằng 01/09/2018 08:00

Bộ LĐ-TB-XH dẫn nguồn cơ quan chức năng Hàn Quốc cho biết, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn đóng góp 32%, thậm chí 40% tổng số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Kéo dài quy định ký quỹ 100 triệu đồng với lao động thêm 2 năm,đồng thời không trả tiền ký quỹ với lao động xuất khẩu bỏ hợp đồng được xem là những biện pháp siết chặt tình trạng lao động “chui” của Việt Nam tại Hàn Quốc.

Cuộc sống các lao động cư trú bất hợp pháp khá vất vả bởi công việc nặng nhọc và luôn chạy trốn cơ quan chức năng. Ảnh: NVCC.

Cuộc sống các lao động cư trú bất hợp pháp khá vất vả bởi công việc nặng nhọc và luôn chạy trốn cơ quan chức năng. Ảnh: NVCC.

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng và lấy ý kiến Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1465/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS . Trong đó, có đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng quy định ký quỹ 100 triệu đồng với lao động đến hết tháng 8/2020.

Nguy cơ “cấm cửa”

Trên thực tế, việc thực hiện ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) đã được áp dụng thí điểm từ tháng 8/2013. Tới ngày 21/8/2018, việc thí điểm ký quỹ trên đã kết thúc.

Trong khi đó, dự kiến từ tháng 9/2018 đến hết năm 2020 có 10.462 lao động hết hạn hợp đồng 4 năm 10 tháng phải về nước, chiếm 45,44% số lao động ký quỹ (23.019 người).

Hơn nữa, Hàn Quốc là một trong 3 thị trường lớn nhất tiếp nhận lao động của Việt Nam. Hiện tại thị trường này có hơn 40.000 lao động làm việc theo chương trình EPS. Nói như ông Phạm Đỗ Nhật Tân – Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, nếu xét về thu nhập, thị trường Hàn Quốc có thu nhập ổn định, thậm chí còn cao bằng hoặc hơn tiền lương so với thị trường Nhật Bản. Lao động làm việc ở Hàn Quốc có thể nhận mức lương cơ bản từ 1.500 -2.000 USD/ tháng (tương đường từ 34-45 triệu đồng/tháng), chưa kể tiền làm thêm.

“Mặc dù có mức lương khá hấp dẫn nhưng không phải lao động nào cũng có thể được đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Nhiều năm gần đây do tình hình lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc tăng khá cao nên phía Hàn siết chặt vấn đề tiếp nhận lao động. Sau 3 năm tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc theo chương trình XKLĐ EPS, mãi tới năm 2016 phía bạn lại mới mở cửa lại thị trường, tuy nhiên chỉ là ký thoả thuận tiếp nhận lao động theo từng năm”, ông Tân cho biết.

Không hoàn lại lao động huỷ hợp đồng

Như vậy, trước nguy cơ mất thị trường tiềm năng này. Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện thí điểm thêm 2 năm, đến ngày 21/8/2020. Việc ký quỹ được đánh giá nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người lao động, giảm tình trạng lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ hội xuất khẩu lao động có tay nghề sang châu Âu

    11:02, 26/08/2018

  • Tập đoàn Sao Mai “lấn sân” sang lĩnh vực xuất khẩu lao động

    14:26, 10/07/2018

  • Xuất khẩu lao động còn nhiều nỗi lo

    16:00, 17/06/2018

  • Cẩn trọng xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út

    18:39, 14/04/2018

Cùng với đề xuất kéo dài thời gian thí điểm, với người lao động bỏ trốn, tiền ký quỹ không được trả lại, đơn vị soạn thảo đề xuất chuyển về ngân sách địa phương, thay vì chuyển vào Quỹ Giải quyết việc làm của tỉnh, thành.

Thực tế, thị trường Hàn Quốc có tiếp tục mở rộng hay đóng lại phụ thuộc rất nhiều vào việc giảm tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn. Bởi rõ ràng hoạt động xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đã từng bị gián đoạn 4 năm do quá nhiều lao động sang Hàn Quốc rồi trốn ra ngoài làm việc. Việc hai bên ký lại Bản ghi nhớ bình thường về tiếp nhận lao động theo Chương trình EPS mới được ký lại vào năm 2016 chỉ có giá trị trong vòng 2 năm. Nếu tỷ lệ người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tiếp tục vượt quá 4% so với mức hai bên cam kết thì Việt Nam sẽ chính thức bị cấm cửa tại thị trường này. Do đó, phải nỗ lực giảm tỷ lệ la động bỏ trốn.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp, muốn mở rộng cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc Hàn Quốc bên cạnh các nỗ lực của các địa phương, Bộ ngành phía Việt Nam, cần sự hợp tác từ chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Theo đó, doanh nghiệp, giới sử dụng lao động Hàn Quốc không sử dụng lao động bất hợp pháp để giảm số lượng lao động “chui” này. Từ đó, mở ra cơ hội làm việc tại Hàn Quốc cho những người lao động khác.

Thy Hằng