VCCI phản đối đề xuất ngân hàng cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế

Minh Vân 06/09/2018 06:05

Góp ý cho dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi), VCCI khẳng định đề xuất ngân hàng cấp thông tin khách cho cơ quan thuế là chưa đảm bảo minh bạch.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới có ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi).

Theo đó, tại lần góp ý này, VCCI hoan nghênh tinh thần cầu thị của Ban soạn thảo trong việc phối hợp với VCCI tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Đề cương dự thảo luật quản lý thuế ngay từ giai đoạn đầu soạn thảo. Ban soạn thảo cũng đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của VCCI và đã có giải trình cụ thể trong hồ sơ thẩm định.

Với một số vấn đề chưa được tiếp thu, VCCI giữ nguyên quan điểm và tiếp tục có ý kiến.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI: Phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh ngành chứng khoán còn nhiều vấn đề

    13:56, 30/07/2018

  • VCCI: Có sự khác biệt trong quá trình cắt giảm điều kiện của năm 2018

    07:31, 02/08/2018

  • VCCI: Mức xử phạt tại dự thảo nghị định kinh doanh khí quá nặng

    14:04, 09/07/2018

Đề xuất ngân hàng cấp thông tin khách cho cơ quan thuế là chưa đảm bảo minh bạch

Điều 29 và Điều 100 Dự thảo Luật thuế quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc quản lý thuế.

Theo đó, Dự thảo hiện quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Các thông tin này bao gồm: thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế. Trong khi cơ quan quản lý thuế là người nắm thông tin này.

Góp ý cho dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi, VCCI khẳng định đề xuất ngân hàng cấp thông tin khách cho cơ quan thuế là chưa đảm bảo minh bạch.

Góp ý cho dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi, VCCI khẳng định đề xuất ngân hàng cấp thông tin khách cho cơ quan thuế là chưa đảm bảo minh bạch.

Theo quan điểm của VCCI, quy định này là chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu NHTM cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì. Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế.

“Quan hệ giữa NHTM và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, NHTM cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm NHTM không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế”, VCCI nhấn mạnh.

"Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế", VCCI đánh giá.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị quy định rõ cấp có thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế trong việc ra yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin.

Cụ thể, đối với mã số thuế khách hàng, VCCI bình luận: "Không hiểu tại sao cơ quan quản lý thuế lại yêu cầu NHTM cung cấp thông tin này trong khi đây là cơ quan chủ quản? Không phải trong mọi trường hợp khách hàng của NHTM cũng có mã số thuế vì vậy yêu cầu như vậy là không bảo đảm tính khả thi.

Góp ý tương tự với khoản 3 Điều 100: "Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử liên quan về người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế”. VCCI cho rằng, cần có giới hạn cụ thể các loại thông tin này.

Khoản 4 Điều 29 quy định NHTM phải "Trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế”.

Tuy nhiên, theo VCCI, nhiều ngân hàng cho rằng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật phòng chống rửa tiền và các quy định về tài khoản theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước thì các NHTM chỉ có thể chuyển tiền nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Cụ thể trong trường hợp: Nhận được văn bản cưỡng chế thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trong thời hạn cưỡng chế thuế, trong tài khoản của khách hàng còn tiền mà không bị phong tỏa bởi các bên cầm cố, thế chấp; Hết thời hạn thi hành cưỡng chế thuế, tài khoản của khách hàng phát sinh tiền thì NHTM cũng không thể chuyển tiền cho ngân sách nhà nước được, nếu không NHTM sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Do vậy, VCCI đề xuất Ban soạn thảo bổ sung các trường hợp mà các NHTM được loại trừ trách nhiệm, thống nhất với quy định của pháp luật ngân hàng.

Nhiều mâu thuẫn tại quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế

Đáng chú ý, tại Dự thảo Luật quản lý thuế lần này, VCCI cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 49 về việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế của Dự thảo mâu thuẫn với khoản 3 Điều 145.

“Điều 49 quy định việc “trong thời gian cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế có khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thì hồ sơ khai bổ sung này không là căn cứ để người nộp thuế không bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế” thì Điều 145 lại viết rằng “… không bị xử phạm vi phạm thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn thuế”, VCCI nhấn mạnh.

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng thống nhất với quy định tại Điều 145 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Minh Vân